TP.HCM hỗ trợ 40% chi phí cho nông dân nuôi tôm công nghệ cao

21/03/2022 11:14 GMT+7

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ứng dụng các giải pháp thông minh như cho ăn tự động, áp dụng công nghệ sinh học... được TP.HCM khuyến khích, áp dụng chính sách hỗ trợ lên đến 40% tổng kinh phí đầu tư.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Cần Giờ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân với thị trường xuất khẩu lớn

quang thuần

Sở NN-PTNT TP.HCM vừa phối hợp với UBND huyện Cần Giờ, Trung tâm Khuyến nông tổ chức hội thảo Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm trên địa bàn TP.HCM.

Tại TP.HCM, nghề nuôi tôm chủ yếu tập trung ở 4 xã phía bắc huyện Cần Giờ (Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn) và 2 xã huyện Nhà Bè (Hiệp Phước và Nhơn Đức). Tại huyện Bình Chánh cũng có một số mô hình nuôi tôm nhưng không nhiều, chỉ tập trung ở các xã có nguồn nước nhiễm mặn như Đa Phước, Phong Phú.

Tổng diện tích thả nuôi khoảng 6.047 ha, trong đó: Nuôi thâm canh, bán thâm canh 2.798 ha; quảng canh cải tiến, quảng canh 2.877 ha; nuôi ruộng 372 ha.

Những năm gần đây, việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do thời tiết và một số tác nhân khác khiến dịch bệnh xảy ra nhiều. Để ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, một bộ phận người nuôi đã sử dụng thuốc, các chất hóa học không an toàn, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhằm hạn chế tình trạng trên, nhiều hộ nuôi tôm đã chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao chất lượng và năng suất tôm, qua đó gia tăng thu nhập. Tuy nhiên, chi phí để chuyển đổi sang mô hình ứng dụng công nghệ cao có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đồng/ha, nên việc nhân rộng vẫn còn khó khăn.

Tại hội thảo, nông dân đã được giới thiệu các ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, máy cho ăn thông minh... Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết: Chính sách khuyến nông trong thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao sẽ được hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình đối với tất cả các địa bàn. Nông dân có nhu cầu tham gia mô hình cần liên hệ trực tiếp với các trạm khuyến nông địa phương sẽ có nhân viên kỹ thuật tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, tôm nước lợ là sản phẩm chủ lực của huyện Cần Giờ và của ngành nông nghiệp TP.HCM, thời gian tới Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện, giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Phòng Kinh tế huyện, Hội Nông dân huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về chính sách khuyến nông, những dự án liên quan trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đối với nuôi tôm nước lợ, tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, giúp nông dân TP.HCM phát triển kinh tế và làm giàu từ nuôi tôm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.