TP.HCM kêu gọi người dân đi tiêm vắc xin Covid-19

14/12/2021 04:27 GMT+7

Chiều 13.12, tại buổi họp báo định kỳ, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết đến hết ngày 12.12 đã tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân là hơn 7 triệu mũi 1, hơn 6 triệu mũi 2 và trên 11.700 liều bổ sung, nhắc lại.

TP.HCM khảo sát và lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền, dự kiến đến ngày 12.12 hoàn thành, nhưng do hoạt động còn mới và gặp nhiều khó khăn nên đến nay chưa xong.

Về việc tiêm vắc xin cho người lao động quay lại làm việc, ông Tâm cho hay, TP.HCM đang có chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm những người chưa tiêm, sàng lọc và tiêm chủng.

TP.HCM khuyến cáo người dân chưa tiêm vắc xin thì cần đăng ký để được tiêm sớm

Ngọc Dương

Giải thích con số trong báo cáo đánh giá cấp độ dịch của TP.HCM luôn khẳng định 100% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi, nhưng thực tế số lượng người chưa tiêm còn lớn và nhiều trường hợp tử vong, ông Tâm cho rằng do tình hình di biến động dân cư ở thành phố phức tạp. Việc tính tỷ lệ tiêm chủng dựa trên thống kê dân số ở một thời điểm nhất định, con số này do Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM thống kê ở thời điểm trước dịch.

“Theo mẫu số đó, tính ra tỷ lệ tiêm đạt 100%, có khi còn hơn 100% nữa. Chuyện này cũng bình thường với một thành phố như TP.HCM. Bây giờ chúng ta có tiêm hết đi nữa thì ngày mai, ngày kia có lượng người mới đổ về, có người chưa tiêm thì vẫn tổ chức tiêm”, ông Tâm lý giải và đề nghị ai chưa tiêm thì đăng ký với địa phương, tổ dân phố hoặc trạm y tế.

TP.HCM chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong ngày đầu học trực tiếp

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, qua thống kê, có hơn 60.000 người trên địa bàn thuộc nhóm nguy cơ cao, chủ yếu là trên 65 tuổi và có bệnh lý nền; đồng thời rà soát những người chưa tiêm mũi nào. “Trên 60% ca tử vong ở TP.Thủ Đức là chưa tiêm vắc xin, trong đó có cả trường hợp không có bệnh nền. Nếu không tiêm vắc xin thì tỷ lệ tử vong là trên 60%, còn nếu có thêm bệnh nền thì tỷ lệ càng cao”, ông Tùng nêu thực tế. Nhiều gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi và kèm bệnh lý nền nghiêm trọng như tai biến, bệnh nan y, nên có tâm lý sợ tiêm vắc xin sẽ thành biến chứng nguy hiểm.

“Thực tế, khi vận động tại địa phương, chúng tôi nắm danh sách người chưa tiêm nhưng vận động khó khăn. Gia đình thậm chí ký giấy đồng ý không tiêm vắc xin. Với trách nhiệm của lãnh đạo TP.Thủ Đức, chúng tôi tha thiết mong người dân hãy tiêm vắc xin. Nếu chưa có điều kiện đi đến trạm y tế thì chúng tôi sẽ tiêm tại nhà”, ông Tùng nói.

Đối với những người có bệnh nền, Chánh văn phòng Sở Y tế Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, đa phần các đợt tiêm vắc xin tập trung ở cộng đồng nên việc chăm sóc y tế khó khăn. Những người có bệnh nền, huyết áp tăng cao khi đến bàn tiêm đều hoãn tiêm hết. Sau đó, những người này mà đến thẳng bệnh viện thì không có bệnh viện nào tiêm vì không được phân bổ vắc xin. “Những ai chưa tiêm nên tận dụng đợt này, thành phố tổng hợp những trường hợp chưa tiêm, người có bệnh nền… đăng ký với phường xã để có cơ hội chăm sóc”, bà Mai khuyến cáo.

Covid-19 sáng 14.12: Cả nước 1.428.428 ca | Cảnh báo TP.HCM sắp phải hứng làn sóng dịch mới

Huy động 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia chống dịch

Ngày 13.12, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có công văn gửi tất cả nhà thuốc tư nhân huy động sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các nhà thuốc cung ứng đầy đủ và đúng quy định các vật dụng, thuốc thiết yếu cho công tác chăm sóc F0 tại nhà, giá hợp lý. Truyền thông, tư vấn sức khỏe chăm sóc cho F0 tại nhà. Tham gia làm cầu nối cho F0 với trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc Covid-19 tại cộng đồng.

Sở Y tế cho biết qua đợt dịch Covid-19 thứ 4 đã rút ra nhiều kinh nghiệm, trong đó, bài học kinh nghiệm về huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia công tác phòng, chống dịch mang ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết trong giai đoạn hiện nay khi mà hầu hết lực lượng chi viện đã rút về.

Theo Sở Y tế, hiện TP.HCM có hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân, phân bố khắp 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đặc điểm là các nhà thuốc thường ở các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp... Nên việc kêu gọi và huy động các nhà thuốc tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ mang ý nghĩa thiết thực và thật sự cần thiết trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong giai đoạn hiện nay.

Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.