TP.HCM: Khoảng 95% lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
09/02/2022 15:23 GMT+7

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, qua thống kê sơ bộ tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn, tỷ lệ lao động trở lại làm việc khoảng 95%.

Ngày 9.2, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết qua thống kê sơ bộ tình hình doanh nghiệp đến nay, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc khoảng 95%.

Tính đến cuối năm 2021, TP.HCM có hơn 286.000 doanh nghiệp và hơn 465.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể đang hoạt động, sử dụng hơn 4,7 triệu lao động (gồm 2,4 triệu lao động ở khu vực chính thức và hơn 2,3 triệu lao động tự do).

Công nhân Công ty CP in số 7, KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM trong ca làm việc ngày 8.2

ngọc dương

Trong đó, địa bàn TP.HCM có 17 khu chế xuất - khu công nghiệp với gần 1.500 doanh nghiệp và hơn 273.000 lao động; một khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức) với khoảng 45.000 người lao động.

Một lãnh đạo Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết, đến nay qua nắm bắt sơ bộ các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại từ ngày 5.2. Một số lượng lao động dự kiến khoảng ngày 10.2 mới làm việc lại do quê ở xa TP.HCM.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, cũng cho biết đến nay chưa có báo cáo về thiếu hụt lao động nghiêm trọng.

Thông thường, công nhân lao động sẽ trở lại làm việc đầy đủ sau rằm tháng giêng (tức ngày 15.1 âm lịch). Việc nắm bắt tình hình cũng như quan hệ lao động trong thời gian này là một trong những công việc mà công đoàn TP.HCM phải tập trung sau tết.

Tăng cường giám sát dịch tễ người trở lại TP.HCM sau tết

Sau tết, TP.HCM cần khoảng 50.000 lao động

Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn cũng cho biết, sau Tết Nguyên đán, TP.HCM cần 50.000 lao động ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm (cơ khí; sản xuất hàng điện tử; chế biến lương thực - thực phẩm - đồ uống; hóa dược - nhựa - cao su) và 9 ngành dịch vụ (như thương nghiệp; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông...).

Theo định hướng ở lĩnh vực việc làm - an toàn lao động; lĩnh vực lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội trong năm 2022, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ tăng cường các giải pháp hỗ trợ việc làm, đẩy mạnh tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến hoặc trực tiếp để kết nối cung cầu lao động trong TP.HCM và các tỉnh trong khu vực. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp để nhanh chóng gia nhập lại thị trường lao động, nhất là người mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chỉ tiêu mà sở này đặt ra trong năm 2022 là giải quyết việc làm cho 300.000 lượt người lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%...

"TP.HCM đã và đang triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội, đặc thù cho công nhân lao động như: mua nhà ở xã hội giá rẻ, doanh nghiệp dành quỹ đất xây dựng khu lưu trú cho công nhân...", ông Tấn nói và cho hay các chính sách này sẽ gắn kết với gói 6.600 tỉ đồng của Chính phủ.

"Ngoài ra, TP.HCM sẽ vận động các chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng hoặc cho chủ nhà trọ vay tiền để chỉnh trang phòng đạt chuẩn, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh...", ông Lê Minh Tấn cho hay.

Gói 6.600 tỉ đồng có chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động đang làm việc trong các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động. Trong thời gian tới sẽ có hướng dẫn điều kiện, thủ tục, điều kiện thụ hưởng cụ thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.