Công nhân trở lại làm việc được hỗ trợ gì?

Thu Hằng
Thu Hằng
09/02/2022 04:32 GMT+7

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, không chỉ được nhận tiền lì xì, công nhân thuê trọ đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ được hỗ trợ tiền nhà ở. Người lao động cũng sẽ được hỗ trợ tiền mặt khi quay trở lại thành phố tìm việc.

Chính sách mới dự kiến sẽ được Bộ LĐ-TB-XH trình Chính phủ triển khai ngay trong tháng 2.

Người lao động trở lại thị trường lao động sẽ được hỗ trợ tiền nhà ở, cho vay giải quyết việc làm, theo chính sách mới của Chính phủ

Ngọc Dương

Hỗ trợ tiền thuê nhà trọ từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng

Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm qua, nhất là đợt dịch thứ 4, đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN), việc làm và đời sống của người lao động (NLĐ). Với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, ngày 30.1, Chính phủ đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho NLĐ.

Bộ LĐ-TB-XH dự kiến, gói hỗ trợ khoảng 6.600 tỉ đồng nhằm hỗ trợ NLĐ trở lại thị trường lao động, hỗ trợ tiền nhà ở, cho vay giải quyết việc làm, kết nối cung cầu thị trường lao động.

Cụ thể, 2 đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ gồm: NLĐ có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX), khu vực kinh tế trọng điểm và NLĐ quay trở lại thị trường lao động. Mức hỗ trợ đối với NLĐ đang làm việc tại các KCN-KCX, khu vực kinh tế trọng điểm là 500.000 đồng/tháng. Đối với NLĐ về quê quay trở lại làm việc được hỗ trợ 1 triệu đồng, tối đa trong 3 tháng.

Ngoài gói hỗ trợ trên, Chính phủ còn có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho công nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Về phía DN, Chính phủ tiếp tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho NLĐ, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Ông Lê Văn Thanh cho hay: “Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Bên cạnh đó, xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp”.

Người lao động trở lại thị trường lao động được hỗ trợ tiền nhà ở, cho vay giải quyết việc làm. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Changshin VN (tại Đồng Nai) đang làm việc ngày 8.2

LÊ LÂM
Covid-19 sáng 9.2: Cả nước 2.380.695 ca nhiễm | Trẻ nhỏ cũng có thể bị “hậu Covid”

“Món quà” đầu năm dành cho công nhân

Đón nhận tin vui sau kỳ nghỉ tết, ông Đinh Quang Dương, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Yamaha Motor VN, chia sẻ: “NLĐ được nghỉ thêm 1 ngày tết, ngày 8.2 chúng tôi khai xuân với tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đạt gần 99%. Ngoài nhận lì xì 100.000 đồng đầu năm, thì thông tin công nhân được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ 3 tháng là một tin vui cho NLĐ vốn phải chi phí tiền điện nước, sinh hoạt phí, lo tiền học cho con cái… Số tiền hỗ trợ này sẽ giúp NLĐ vơi bớt gánh nặng, yên tâm làm việc”.

Cùng với chính sách tài khóa, tiền tệ như: miễn giảm thuế, lãi suất cho DN của Quốc hội và Chính phủ từ tháng 2.2022, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10, đánh giá gói hỗ trợ tiền mặt bổ sung cho NLĐ là chính sách rất kịp thời và có ý nghĩa. “Tình hình kinh tế bắt đầu ổn định, tiêm chủng được bao phủ, tuy nhiên để phục hồi thị trường lao động cũng là bài toán đáng bàn. Gói hỗ trợ này kịp thời và sẽ giúp cho những NLĐ, đặc biệt là những lao động ở xa trung tâm sản xuất, ở trọ tại các KCN-KCX, tạo điểm nhấn cú hích để những lao động trở về quê còn đang băn khoăn sẽ quay trở lại thành phố làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định”, ông Việt bày tỏ.

PGS-TS Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn, nhìn nhận chính sách này của Chính phủ rất kịp thời, phù hợp với mong muốn của công nhân các KCN-KCX hiện nay. Theo ông Thọ, có thể với nhiều người dân, số tiền hỗ trợ rất thấp, nhưng đối với một nước chưa giàu như VN, việc dành ra hàng nghìn tỉ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ NLĐ là một nỗ lực, cố gắng lớn của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn.

Ông Thọ chia sẻ: “Đời sống của công nhân sau đại dịch rất khó khăn, mặc dù số tiền hỗ trợ chỉ từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng nhưng vô cùng đáng quý, có thể ví như món quà tiếp sức cho NLĐ. Nhiều công nhân coi đó như một ân huệ, sau tết chưa kiếm được tiền đâu để thuê nhà, trang trải khi lên thành phố tìm việc, thì tự nhiên “món quà” lại đến với mình. Tôi tin nhiều công nhân sẽ biết ơn Chính phủ, họ sẽ tăng thêm mối gắn bó với chính thể, DN giúp họ trụ vững, vượt qua sau dịch Covid-19, giúp họ tìm được việc làm lo cuộc sống mưu sinh hằng ngày”.

Số ca Covid-19 mới ở Hà Nội “đi ngang” nhưng ca tử vong tăng cao

Cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ

Theo ông Thân Đức Việt, sau tết nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động chuẩn bị cho mùa sản xuất, kinh doanh mới. Riêng Tổng công ty CP May 10 có 3 dự án mở rộng năng lực sản xuất tại Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Bình nên nhu cầu tuyển dụng lao động mới sau tết khoảng từ 3.000 - 5.000 người.

Tuy nhiên, ông Việt lo ngại gói hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ sẽ có những rào cản về thời gian, thủ tục hành chính; chưa kể những lo lắng việc một số DN có thể trục lợi chính sách. Dưới góc độ của nhà sản xuất, ông Việt kiến nghị: “Chúng ta cần thúc đẩy nhanh, kịp thời và sớm để NLĐ được thụ hưởng sớm. Không chỉ sau đại dịch, thông thường nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng sau Tết âm lịch để cho năm mới. Nếu chính sách không kịp thời sẽ qua mất mùa tuyển dụng, làm lỡ hết kế hoạch sản xuất của DN”.

Về phía DN, ông Việt cho hay DN có chính sách giữ chân và thu hút NLĐ ngay từ trước tết. Năm 2021, thu nhập bình quân của NLĐ tăng 7,6% so với năm 2020, đạt 8,3 triệu đồng/tháng, lương tháng 13 đạt bình quân 13 triệu đồng, tương đương 1,56 tháng lương. “Ngoài thưởng tết, quà tết cho công nhân, chúng tôi còn hỗ trợ xe đưa đón về quê ăn tết và đón công nhân từ quê lên. Sau tết, công ty có thêm một số chương trình phúc lợi tạo điểm nhấn hứng khởi về mặt tinh thần cho NLĐ trong năm mới. Sau gói hỗ trợ của Chính phủ, có thể sau này chúng tôi cũng tính đến hỗ trợ tiền ở cho NLĐ”, ông Việt nói.

Đồng quan điểm cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ, PGS-TS Vũ Quang Thọ nhìn nhận: “Sau tết, NLĐ rất cần khoản hỗ trợ này, các cơ quan nhà nước thúc đẩy nhanh hoạt động để tiền đến sớm hơn với NLĐ. Chúng ta cần biến chính sách thành hành động cụ thể, đó là rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, NLĐ chỉ cần xuất trình giấy tờ thì có thể nhận được tiền. Việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân tiền hỗ trợ để NLĐ chi dùng vào trang trải những việc có ích”.

Liên quan tiến độ triển khai gói hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh thông tin: “Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới, Bộ LĐ-TB-XH đã bắt tay xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 15.2, chúng tôi sẽ trình Chính phủ thông qua, về cơ bản gói hỗ trợ sẽ triển khai trong tháng 2. Thời gian thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2022”.

Sản xuất phục hồi đạt 85%

Đánh giá tình hình lao động sau tết trên cả nước, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, năm nay lực lượng lao động ổn định, dồi dào hơn so với mọi năm, thiếu hụt lao động cũng thấp hơn so với thông thường. Nguyên nhân là do nhiều lao động đã nghỉ việc một thời gian dài vì dịch bệnh nên họ không về quê dịp tết mà ở lại các KCN, thành phố lớn. Bên cạnh đó, các DN, các KCN-KCX đều có nhiều phương án giữ chân NLĐ như nâng lương, thưởng tết… Các địa phương cũng chủ động thực hiện các biện pháp phục hồi thị trường lao động.

“Theo báo cáo của các tập đoàn lớn, tổng công ty, DN FDI, lực lượng lao động sau tết năm nay chỉ thiếu 10 - 15%, ít hơn so với mọi năm. Tình hình sản xuất vẫn đang trong quá trình phục hồi. Về cơ bản, mức phục hồi bình quân chung đã đạt 85%”, ông Dung cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.