TP.HCM muốn làm khu công nghiệp dược, dược phẩm công nghệ cao

Duy Tính
Duy Tính
08/07/2022 04:00 GMT+7

Ngày 7.7, Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho biết sở này đã có công văn gửi các sở, ngành trên địa bàn TP về việc góp ý dự thảo 'đề án phát triển công nghiệp dược trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'.

Nhiều lợi thế

Theo Sở Y tế, TP.HCM có 31 nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP-WHO (hướng dẫn thực hành sản xuất thuốc do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng), chủ yếu sản xuất thuốc theo công thức (thuốc hết bản quyền) để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó có 2.104 mặt hàng được đưa vào sản xuất, 122 mặt hàng được đánh giá tương đương sinh học (tương đương thuốc biệt dược).

Sở Y tế đánh giá, TP.HCM có thuận lợi là nơi tập trung các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực dược hàng đầu, lại có các khu công nghệ cao, nhà máy lớn. Bên cạnh đó, TP có lợi thế về thị trường đầu ra với 133 bệnh viện, 1.202 doanh nghiệp (DN) buôn bán và 6.529 nhà thuốc. Nhưng nhược điểm là đa số nhà máy sản xuất mặt hàng thuốc thông thường mang tính trùng lắp, nhiều nhà máy sản xuất cùng một hoạt chất. Nguyên liệu chủ yếu nhập từ Ấn Độ, Trung Quốc. TP.HCM là nơi có nhiều bệnh viện lớn, đầu ngành, lượng thuốc tiêu thụ lớn nhất cả nước, đặc biệt là thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc có hàm lượng công nghệ cao (CNC).

Nghiên cứu sản xuất thuốc tại một nhà máy

DUY TÍNH

Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2021, tiền thuốc bình quân đầu người Việt Nam là 73 USD/năm, dự kiến tăng lên 160 USD vào năm 2025. Giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước sử dụng trên địa bàn TP.HCM năm 2020 đạt gần 2.212 tỉ đồng, nhưng chỉ chiếm 20% chi phí sử dụng thuốc và dự kiến tăng 7 - 10%/năm. Còn với thuốc ung thư, dù nhu cầu sử dụng tăng nhưng thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm 2%.

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư thị trường thiết bị và vật tư y tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh. Theo đó, tổng vốn đầu tư vào trang thiết bị y tế tại Việt Nam đến năm 2019 tăng lên 1,1 tỉ USD. Tốc độ tăng trưởng hằng năm là 18%, dự kiến tiềm năng phát triển còn rất lớn trong thời gian tới do nhu cầu thiết bị y tế hiện đại tăng trong chẩn đoán và điều trị; chính sách thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng ngành y tế...

Đầu tư sản xuất thuốc công nghệ cao

Sở Y tế đưa ra lộ trình thực hiện xây dựng khu công nghiệp (KCN) dược tại TP.HCM với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022 - 2025), định hướng xây dựng KCN dược tại TP.HCM. Ở giai đoạn này, sẽ xây dựng, ban hành cơ chế chính sách về quỹ đất, thuế, nguồn tài chính đầu tư. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước trong lĩnh vực y, dược để thu hút các nhà đầu tư. Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà máy tại KCN dược. Xác định các loại hình sản phẩm (dược phẩm CNC, trang thiết bị y tế) và tiêu chí cụ thể đối với sản phẩm được sản xuất trong khu công nghệ cao.

Giai đoạn 2 (2025 - 2030), triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng KCN dược với khoảng 300 ha, từng bước đưa KCN đi vào hoạt động thực tế. Giai đoạn 3 (2030 - 2045), đưa KCN dược vào hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối - liên kết mở giữa các DN trong KCN với các DN bên ngoài hoặc các DN hỗ trợ.

Theo Sở Y tế, cần tạo cơ chế chính sách quy tụ nhà đầu tư trong nước, nước ngoài để sản xuất các thuốc phát minh (hoặc chuyển giao công nghệ), thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế CNC, vắc xin, sinh phẩm, các trang thiết bị xét nghiệm, sản phẩm y sinh kỹ thuật cao phục vụ được nhu cầu trong chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và trong nước. Tiến tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Trong đó chú trọng lựa chọn và thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất từ các tập đoàn đa quốc gia; ưu tiên chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin đa giá, sinh phẩm điều trị, sinh phẩm tương tự bằng công nghệ tái tổ hợp gien, thuốc dược liệu và các sản phẩm y sinh, sản phẩm phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán…

Ngành công nghiệp dược Việt Nam đang ở cấp độ 3

Theo Bộ Y tế, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược phẩm nhanh nhất thế giới. Tổng giá trị thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt mức 2,7 tỉ USD trong năm 2015. Giá trị này tăng mạnh lên đến 5,1 tỉ USD vào năm 2018 và năm 2020 đạt 6,1 tỉ USD. Theo phân loại của WHO, ngành công nghiệp dược Việt Nam hiện đang ở cấp độ 3 (mức có công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số dược phẩm).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.