TP.HCM những ngày khốc liệt 2021: Ở nơi nhận 7.000 cuộc gọi cấp cứu F0 một ngày

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/12/2021 09:00 GMT+7

“Tổng đài 115 nghe”, đến khi đi ngủ rồi, Nguyệt Thanh và nhiều tình nguyện viên trực cấp cứu khác vẫn ú ớ nằm mơ. Ký ức tháng ngày đại dịch tàn khốc của TP.HCM năm 2021 vẫn chưa hề tan trong tâm trí nữ bác sĩ trẻ.

Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh những ngày từ 28.7 tới 10.10.2021 là Phó chỉ huy tổng đài cấp cứu 115 của TP.HCM

nvcc

Bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, 26 tuổi, công tác tại Trung tâm nghiên cứu y sinh, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM bơ phờ trong mùa dịch. Hai cái điện thoại kèm sạc dự phòng lúc nào cũng nóng vì điều phối các ca F0 phải đưa đi cấp cứu, hướng dẫn chăm sóc F0 từ xa… Những khó khăn, thử thách trong năm 2021 tôi luyện thêm bản lĩnh, kinh nghiệm thực tiễn rất lớn cho cô.

Covid-19 sáng 31/12: Cả nước 1.714.742 ca nhiễm | Giao thừa lịch sử ở TP.HCM

7.000 cuộc gọi một ngày

Tháng 6.2021, khi dịch bắt đầu trở lại TP.HCM, Nguyệt Thanh tham gia tổ công tác đặc biệt của UBND TP.HCM, giám sát việc chống dịch tại Q.Bình Thạnh, giám sát công tác lấy mẫu, truy vết, kiểm tra doanh nghiệp phòng chống dịch trên địa bàn quận.

Từ 28.7, dịch khốc liệt hơn ở TP.HCM, cô được giao vai trò Phó chỉ huy tổng đài cấp cứu 115 của TP.HCM - nơi có thời điểm gần 300 tình nguyện viên trực 24/24 tại Công viên phần mềm Quang Trung, Q.12.

Tổng cộng có 60 đường dây, với 60 máy điện thoại bàn và 60 người trực trong một ca làm việc với một cường độ không gì có thể gấp gáp hơn. Điện thoại đổ chuông rầm rầm, vừa gác máy lại có cuộc khác tới. Một người có khi nghe cả 2 máy, máy này tiếp nhận thông tin F0, máy kia liên lạc với bệnh viện để xe cấp cứu tới”, bác sĩ trẻ kể.

Đỉnh điểm nhất, một ngày bác sĩ Thanh và các tình nguyện viên nhận tới 7.000 cuộc gọi. Không chỉ liên tục gọi xin điều phối xe cấp cứu cho các F0, nhờ hỗ trợ khi người nhà tụt SpO2, khó thở mà hết gạo bà con cũng gọi, không có tiền sinh hoạt nhiều người cũng cầu cứu. Chưa kể xung quanh là những trạm cấp cứu vệ tinh, xe cấp cứu chạy rầm rập, hú còi cả ngày.

"Tôi còn nhớ mãi một cuộc gọi, em bé đó nói 8 tuổi “cô ơi cứu mẹ con với, cha con đã chết, cứu mẹ con", bác sĩ Nguyệt Thanh nói

nvcc

“Những tình nguyện viên trực tổng đài cấp cứu đều là những người có thần kinh sắt thép cả. Khi mỗi cuộc gọi tới là đủ cảm xúc, người khóc, người chửi mắng. Tôi còn nhớ mãi một cuộc gọi, em bé đó nói 8 tuổi “cô ơi cứu mẹ con với, cha con đã chết, cứu mẹ con”, hay có bác bệnh nhân nói thều thào “tôi chỉ còn 150.000 đồng, cô cho tôi tới bệnh viện nào ít tiền thôi cô nha…”.

Là phó chỉ huy, Nguyệt Thanh hỗ trợ các tình nguyện viên về chuyên môn, bố trí chỗ ăn, ở cho mọi người, kết nối với các nhà hảo tâm để được hỗ trợ về cơm, nước uống, đồ sinh hoạt thiết yếu cho các bạn. Sau ngày 10.8, TP.HCM cho phép cách ly, điều trị F0 tại nhà, điện thoại di động của Nguyệt Thanh liên tục đổ chuông, khi nhiều bạn bè, người thân quen, hàng xóm… gọi điện nhờ tư vấn, cứu giúp.

"Bình thường mỗi buổi tối, tôi để chế độ rung điện thoại. Nhưng từ tháng 7, điện thoại lúc nào cũng để chuông, vì sợ lỡ mệt quá ngủ gục, có ai đó gọi tới mà mình không thể cứu”, nữ bác sĩ nói.

Những ký ức ngày tháng dịch tàn khốc ở TP.HCM chưa lúc nào phai mờ trong tâm trí Thanh

nvcc

Gần 3 tháng Nguyệt Thanh đi chống dịch, xách theo hành lý để ăn, ở, làm việc tại chỗ thì ở nhà, gia đình, người thân của cô cũng có nhiều cách riêng để tiếp sức điểm nóng như làm 15.000 tấm kính chống giọt bắn, nấu 8.400 suất cơm gửi tặng các nhân viên y tế chống dịch…

Tháng 8, khi mẹ và nhiều người thân của Nguyệt Thanh cũng là F0, nữ bác sĩ tư vấn từ xa, giúp mọi người đều khỏe mạnh vượt qua Covid-19. Nhưng ở Q.4, nơi Nguyệt Thanh sinh sống, có những con hẻm trên đường Đoàn Văn Bơ, Tôn Thất Thuyết... nhiều người đã qua đời trong những tháng khốc liệt nhất của đợt dịch thứ 4. Bác sĩ trẻ còn nhớ mãi cuộc gọi cuối cùng của bác hàng xóm, gọi cho cô nhờ hỗ trợ từ xa "Thanh ráng cứu cô nha, cô khỏi bệnh cô đãi Thanh ăn..."

Trưởng thành hơn, để cứu giúp được nhiều người hơn

Vừa ra trường, nhận công tác, gặp ngay đại dịch, vừa là khó khăn, thách thức với một bác sĩ trẻ, nhưng bước qua đại dịch, hoàn thành những nhiệm vụ được giao, Nguyệt Thanh thấy mình được nâng cao chuyên môn, có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Những khó khăn đã qua thôi thúc trong cô phải cố gắng nhiều hơn, để cứu giúp được nhiều người hơn.

Bác sĩ trẻ tài năng nhận giải thưởng Thanh niên sống đẹp 2021

thúy hằng

Trong năm 2021, Nguyệt Thanh có một số thành tựu như: Đạt giải thưởng Thanh niên sống đẹp do T.Ư Hội LHTNVN trao; giành giải nhất cuộc thi viết “Nghĩa tình mùa dịch” do Tổng liên đoàn lao động TP.HCM tổ chức. Nữ bác sĩ trẻ nhận bằng khen của Thành ủy TP.HCM về học tập làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2021.

Đáng chú ý, trong năm 2021 cô là chủ biên bài báo khoa học “Các kỹ thuật nhuộm và kỹ thuật phân tích hình ảnh thông lượng cao đánh giá tế bào từ mô sụn” đăng trên tạp chí Y học TP.HCM. Đồng thời nữ bác sĩ trẻ cùng nhóm sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch có nghiên cứu “Ứng dụng chuyển đổi số trong kinh tế y tế TP.HCM” được trình bày trong hội thảo Khoa học quốc tế các nhà khoa học trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 1, do T.Ư Hội sinh viên Việt Nam tổ chức.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.