TP.HCM thí điểm cho bác sĩ mới ra trường thực hành tại trung tâm y tế, trạm y tế

Duy Tính
Duy Tính
22/11/2021 18:47 GMT+7

UBND TP.HCM chính thức kiến nghị Bộ Y tế cho phép thí điểm thực hành khám, chữa bệnh cho bác sĩ mới ra trường tại trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã trên địa bàn thành phố.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa có văn bản chính thức gửi Bộ Y tế về việc thí điểm tổ chức thực hành khám, chữa bệnh cho bác sĩ đa khoa mới ra trường, bác sĩ y học dự phòng mới ra trường tại trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã trên địa bàn thành phố.

Bác sĩ Trạm Y tế hiện nay đảm trách nhiều công việc vất vả

DUY TÍNH

Khó khăn khi dịch bệnh bùng phát

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM trong thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM, việc tổ chức thực hành khám, chữa bệnh (KCB) để cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) được thực hiện theo quy định tại Điều 24, luật KCB. Theo đó, người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế phải trải qua thực hành tại cơ sở KCB trước khi được cấp CCHN.

Cụ thể, với bác sĩ thì thời gian thực hành tương ứng 18 tháng tại cơ sở KCB có giường bệnh. Với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh viên thực hành 9 tháng tại cơ sở KCB. Việc xác nhận, nội dung tổ chức thực hành được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 109 ngày 1.7.2016 của Chính phủ về quy định cấp CCHN đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở KCB.

Nhưng hiện nay, ngoài 4 trung tâm y tế có giường bệnh (do sát nhập bệnh viện quận, huyện là Q.3, 5, 10 và Cần Giờ), có 18 trung tâm y tế và 310 trạm y tế có chức năng KCB nhưng không có giường bệnh nên việc xác nhận thời gian thực hành cho bác sĩ mới tốt nghiệp để cấp CCHN theo quy định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do phải ký hợp đồng với cơ sở KCB có giường bệnh để tổ chức đào tạo thực hành, đồng thời chi trả chi phí đào tạo theo quy định cho cơ sở tổ chức đào tạo thực hành (trung bình khoảng 1 - 2 triệu đồng/tháng). Từ đó, việc thu hút bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y về công tác tại các trung tâm y tế và trạm y tế trong thời gian qua gặp khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại thành phố.

Ngày 22:11- Cả nước 10.321 ca Covid-19, 4.776 ca khỏi | TP.HCM 1.547 ca

Củng cố hệ thống y tế

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, yêu cầu thực tiễn phải tiếp tục củng cố, phục hồi hệ thống y tế cơ sở góp phần giải quyết nhu cầu về nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng tại tuyến quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Do đó, việc phân bố bác sĩ, điều dưỡng mới tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo y khoa tham gia thực hành KCB tại tuyến y tế cơ sở trước khi thực hiện phân công nhiệm sở nhằm kết hợp vừa đảm bảo nguồn nhân lực, vừa được bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới là hết sức cần thiết .

Ngoài ra, điểm thực hành tại tuyến y tế cơ sở sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để chọn nhiệm sở sau thời gian thực hành.

Do đó, để triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 ngày 11.10.2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” có hiệu quả, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế xem xét, chấp thuận cho TP.HCM được thí điểm tổ chức thực hành KCB tại Trung tâm y tế TP.Thủ Đức, các quận, huyện và trạm y tế phường, xã, thị trấn cho đối tượng là bác sĩ đa khoa để cấp chứng chỉ hành nghề KCB đa khoa; bác sĩ y học dự phòng để cấp chứng chỉ hành nghề KCB với phạm vi hoạt động chuyên môn “Phát hiện và xử trí các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng” theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/215 của Bộ Y tế - Bộ Nội vụ với thời gian 12 tháng và 6 tháng thực hành tại các bệnh viện (thay vì thực hành 18 tháng tại bệnh viện theo quy định hiện hành).

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM cũng đã trình UBND TP.HCM xem xét, thông qua các chế độ chính sách để thu hút, giữ chân bác sĩ mới ra trường, điều dưỡng mới ra trường khi thực hành, làm việc tại các trung tâm y tế và trạm y tế trên địa bàn TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.