Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa có thời gian bắt đầu tiêm và tiêm loại vắc xin nào.
Theo kế hoạch này, có khoảng 780.000 trẻ sinh sống hoặc học tập trên địa bàn TP.HCM sẽ được tiêm.
TP.HCM đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi |
KHÁNH TRẦN |
Đa số học sinh TP.HCM sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 ngay tại trường |
Tiêm ở đâu?
Theo kế hoạch, TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 tại trường học, cộng đồng và các bệnh viện.
Cụ thể, đối với trẻ đi học, tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh.
Đối với trẻ không đi học, tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện lựa chọn.
Đối với trẻ có bệnh nền, tiêm tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi.
Đối với các trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi, lập danh sách trẻ từ 12 đến 17 tuổi tại thời điểm tiêm chủng (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác để tiêm chủng theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Thời gian triển khai thực hiện tiêm theo thứ tự lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16 đến 17 tuổi và hạ dần độ tuổi, theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương.
TP.HCM tiêm mũi 1 trong 5 ngày, dự kiến bắt đầu ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm vét trong vòng 2 ngày. Tiêm mũi 2 trong 7 ngày, sau khi đối tượng trên đã đủ thời gian khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
Loại vắc xin sử dụng là vắc xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi. Vắc xin được sử dụng 2 liều cơ bản cho trẻ em và tiêm cùng loại vắc xin.
Ngành y tế huy động lực lượng nhân viên y tế đã được tập huấn về tiêm vắc xin Covid-19, bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân để tổ chức các đội tiêm phục vụ các điểm tiêm đã được ngành giáo dục lựa chọn.
1 bàn tiêm có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng
UBND TP.HCM yêu cầu ngành giáo dục bổ sung lực lượng hỗ trợ hậu cần, nhập liệu... tại các điểm tiêm. Mỗi điểm tối thiểu 4 nhân sự để đón tiếp hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt, cân đo trẻ (nếu cần thiết), hỗ trợ cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin; hỗ trợ nhập liệu thông tin người tiêm vào Hệ thống vắc xin phòng Covid-19.
Theo UBND TP.HCM, bộ phận chuyên môn, tại 1 địa điểm tiêm có thể có nhiều bàn tiêm, mỗi bàn tiêm có tối thiểu 3 nhân sự: 1 bác sĩ thực hiện sàng lọc (kiểm tra thông tin trên phiếu sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng Covid-19, kết luận đủ điều kiện tiêm hoặc tạm hoãn hoặc chống chỉ định ); thực hiện xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm. 1 điều dưỡng thực hiện tiêm và 1 điều dưỡng theo dõi sau tiêm.
Đội tiêm chủ yếu là các y, bác sĩ và điều dưỡng của trung tâm y tế và trạm y tế trên địa bàn. Tùy theo tình hình nguồn lực tại địa phương và số lượng trẻ dự kiến tiêm chủng tại các trường, Sở Y tế sẽ huy động các đội tiêm từ các bệnh viện công lập, ngoài công lập và phòng khám đa khoa để hỗ trợ y tế địa phương.
Nhà hàng, quán ăn ở TP.HCM hoạt động trở lại cần thực hiện những gì? |
Đảm bảo an toàn tiêm, an toàn phòng chống dịch
UBND TP.HCM yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tham gia chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 theo phân công của Sở Y tế TP.HCM và huy động của chính quyền địa phương, đảm bảo các yêu cầu chuyên môn về tiêm chủng.
Tổ chức tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 theo quy định như: đảm bảo khoảng cách giữa các khâu trong 1 dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại 1 địa điểm, đảm bảo an toàn giãn cách đúng quy định, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp... Đối với trẻ hoãn tiêm hoặc chống chỉ định, đảm bảo nhập liệu đầy đủ thông tin và kết quả của trẻ đến tiêm trên Hệ thống tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Cha mẹ phải đồng ý mới tiêm
UBND TP.HCM yêu cầu tư vấn cho phụ huynh hoặc người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin Covid-19 và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng; thông báo cho trẻ tiêm chủng, người giám hộ về hiệu quả, liều lượng của loại vắc xin Covid-19 được tiêm, tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm.
Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm (nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ).
Khám sàng lọc kỹ
Thực hiện sàng lọc cho trẻ đầy đủ trước khi tiêm theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắc xin Covid-19 theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn.
Sau khi trẻ được tiêm sẽ được cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng Covid-19.
UBND TP.HCM yêu cầu bố trí các đội cấp cứu lưu động hoặc có đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ khi có thông báo sự cố tại các điểm tiêm để xử lý kịp thời các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng nếu có.
Xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng
Các địa phương phối hợp ngành y tế tổ chức thực hiện các phương án đáp ứng xử trí, cấp cứu sự cố bất lợi sau tiêm theo quy định của Bộ Y tế.
Theo đó, tại tất cả các điểm tiêm, đội tiêm đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị cấp cứu phản ứng phản vệ. Sở Y tế bố trí đội cấp cứu lưu động cùng với xe cấp cứu của các bệnh viện tại mỗi địa bàn để sẵn sàng xử trí tại chỗ và vận chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng về bệnh viện. Bố trí vị trí đậu xe cấp cứu tại mỗi địa phương đảm bảo thuận tiện khi cần tiếp cận các điểm tiêm.
Sở Y tế TP.HCM phân công các bệnh viện theo địa bàn sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu cho người có tai biến nặng sau tiêm vắc xin Covid-19. Sở Y tế xây dựng, triển khai phương án, quy trình xử trí sự cố bất lợi sau tiêm bao gồm nội dung xử trí tại chỗ của đội tiêm, nội dung phối hợp giữa điểm tiêm với đội cấp cứu ngoại viện với bệnh viện trên địa bàn để hỗ trợ cấp cứu nâng cao và tiếp nhận điều trị cho các trường hợp tai biến nặng.
Các điểm tiêm thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm, chủ động phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm, đặc biệt là tai biến nặng
TP.Thủ Đức dự kiến tiêm vào ngày 25.10
UBND TP.Thủ Đức cũng ban hành kế hoạch tiêm vắc xin cho khoảng 100.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi trên địa bàn, tiêm trẻ lớn 16 - 17 tuổi trước. TP.Thủ Đức chuẩn bị 54 điểm tiêm tại cố định tại 34 phường và các bệnh viện. Mỗi bàn tiêm có thể tiêm tối đa 500 liều/ngày. Trẻ được tiêm sẽ được thông báo thời gian và địa điểm trước.
Thời gian dự kiến tiêm từ ngày 25.10, nhưng theo đại diện Trung tâm y tế TP.Thủ Đức, khi nào có vắc xin mới tiêm. Q.11 và một số quận khác cũng cho biết đã sẵn sàng kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em.
Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh dự kiến tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em phải sẵn sàng để khi có vắc xin là tiêm ngay.
Bình luận (0)