Chiều 9.12, kỳ họp thứ tư của HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bước vào ngày cuối cùng làm việc. Buổi họp hôm nay nhằm thông qua các nghị quyết quan trọng định hướng phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của TP.HCM trong thời gian tới. Thư ký cuộc họp đã báo cáo các dự thảo nghị quyết về quyết toán ngân sách TP.HCM năm 2020; về dự toán thu ngân sách nhà nước và thu, chi ngân sách TP.HCM năm 2022; về phân bổ dự toán ngân sách TP.HCM năm 2022. Các dự thảo nghị quyết này được 100% đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thống nhất nội dung.
Các đại biểu HĐND TP.HCM biểu quyết thống nhất thông qua nội dung nghị quyết quyết toán ngân sách thành phố năm 2020; về dự toán thu ngân sách nhà nước; thu, chi ngân sách thành phố năm 2022 |
sỹ đông |
Theo báo cáo quyết toán ngân sách TP.HCM năm 2020, tổng ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 372.559 tỉ đồng, đạt 91,8% dự toán. Tổng thu ngân sách địa phương (không kể khoản thu chuyển giao giữa các cấp ngân sách địa phương) là hơn 171.576 tỉ đồng và đã chi hơn 127.179 tỉ đồng.
Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM ước đạt 101,53% dự toán được giao (cụ thể là 370.483 tỉ đồng), mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Năm 2022, TP.HCM ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là hơn 386.568 tỉ đồng, tăng 5,94% so dự toán năm 2021 và tăng 4,34% so ước thực hiện năm 2021. Trong đó, ước thu nội địa là 259.568 tỉ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 116.500 tỉ đồng và thu từ dầu thô là 10.500 tỉ đồng.
Đồng thời, năm sau, TP.HCM cũng ước tổng thu ngân sách địa phương là 89.739 tỉ đồng; chi ngân sách địa phương là 99.669 tỉ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 9.929,8 tỉ đồng.
Học sinh trên địa bàn TP.HCM được hỗ trợ học phí gần 1.000 tỉ đồng |
HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM tăng cường các giải pháp thu ngân sách năm 2021 phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021. Trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2022, phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên; đảm bảo đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương; phân bổ, giao và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đảm bảo đúng quy định, tránh lãng phí nguồn lực...
Bình luận (0)