TP.HCM xác thực hơn 4,1 triệu hồ sơ để cấp hộ chiếu vắc xin

Duy Tính
Duy Tính
08/05/2022 06:05 GMT+7

Hiện đã có 310 phường, xã thuộc 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức gửi hơn 4,1 triệu hồ sơ đến công an phường, xã, thị trấn để được xác thực và cấp 'hộ chiếu vắc xin'.

Ngày 7.5, Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay đã có 310 phường, xã thuộc 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức gửi hơn 4,1 triệu hồ sơ (trên tổng số hơn 4,4 triệu hồ sơ cần xác thực) đến công an phường, xã, thị trấn để được xác thực và cấp “hộ chiếu vắc xin”. Tính từ 23.4 đến nay, toàn TP đã có 374.137 dữ liệu đã được ký duyệt chữ ký số chứng nhận tiêm chủng.

Theo Sở Y tế, để bảo đảm quyền lợi của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin và tiến đến cấp hộ chiếu vắc xin, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo tất cả các trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn TP.HCM khẩn trương triển khai “chiến dịch làm sạch dữ liệu tiêm chủng và triển khai chữ ký số xác nhận tiêm chủng”. Tất cả các trung tâm y tế, trạm y tế cần phải triển khai đồng loạt chữ ký số để xác nhận tiêm chủng cho người dân trên “Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19”. Mặt khác, các dữ liệu tiêm chủng đã có cần được rà soát, làm sạch để cung cấp dữ liệu cấp hộ chiếu vắc xin cho người dân theo quy định.

Cụ thể, tất cả trạm y tế đã và đang khẩn trương lập danh sách đối tượng tiêm chủng Covid-19 thường trú trên địa bàn sai thông tin tiêm chủng (danh sách này do Bộ Y tế xác định và gửi về) chuyển tới công an xã, phường, thị trấn để thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chữ ký số và làm sạch dữ liệu tiêm chủng gặp không ít khó khăn. Đó là số lượng dữ liệu cần làm sạch rất lớn, hệ thống chữ ký số chưa thật sự ổn định, phần lớn thiết bị máy móc sử dụng tại các trạm y tế có hệ điều hành cũ và cấu hình thấp, không đạt tiêu chuẩn để thực hiện chữ ký số.

Sở Y tế yêu cầu các trung tâm y tế chịu trách nhiệm báo cáo hằng ngày về tiến độ thực hiện; tổ chức họp giao ban hằng tuần với các đơn vị liên quan để theo dõi công việc thực hiện, lắng nghe ý kiến các địa phương để khắc phục kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.