TP.HCM xử lý gần 10 tấn gạo ngoài sổ sách của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè

23/04/2021 14:49 GMT+7

UBND TP.HCM giao Thanh tra TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, báo cáo đề xuất về việc xử lý gần 10 tấn gạo ngoài sổ sách của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè.

Ngày 23.4, UBND TP.HCM gửi văn bản đến Thanh tra TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM về việc xử lý hàng hóa viện trợ ngoài sổ sách kế toán, mà cụ thể là gần 10 tấn gạo của Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (gọi tắt là Trung tâm Thị Nghè, đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM).
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM giao Thanh tra TP.HCM chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, báo cáo đề xuất trình UBND TP.HCM. Trước đó vào ngày 8.4.2021, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã ký văn bản gửi UBND TP.HCM và Chánh Thanh tra TP.HCM xin chủ trương xử lý hàng hóa viện trợ ngoài sổ sách kế toán của Trung tâm Thị Nghè. 
Cụ thể, Sở cho biết qua thanh tra phát hiện Trung tâm Thị Nghè đang bảo quản 9.719 kg (tức gần 10 tấn) gạo để ngoài sổ sách. Để tránh tình trạng số lượng gạo bị hư hỏng, gây lãng phí, ngày 17.1.2020, Sở đã đề nghị Thanh tra TP.HCM có ý kiến về việc điều chuyển gạo của Trung tâm Thị Nghè cho các đơn vị bảo trợ xã hội trực thuộc Sở.
Ngày 13.2.2020, Thanh tra TP.HCM cho biết do đây là hiện vật phát hiện qua thanh tra để ngoài sổ sách nên cần bảo quản giữ nguyên hiện trạng theo quy định, đồng thời đề nghị Sở chỉ đạo Trung tâm Thị Nghè đánh giá chất lượng hàng hóa, cho đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định, trên cơ sở đó xác định biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định. Đến ngày 4.6.2020, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chỉ đạo Trung tâm Thị Nghè bảo quản số lượng gạo trên tại khu vực riêng và tích cực tìm kiếm các đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định để đánh giá chất lượng gạo.
Thế nhưng, do thời gian bảo quản lâu nên số gạo trên có dấu hiệu xuống cấp và xuất hiện mọt nên ngày 9.3.2021, Trung tâm Thị Nghè gửi mẫu gạo trong số gần 10 tấn gạo trên đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng.
Kết quả kiểm nghiệm gạo có hàm lượng độc tố vi nấm (chỉ tiêu Aflatoxin B1 và Aflatoxin tổng) vượt quá định mức cho phép. Nhận thấy số gạo trên không thể sử dụng được, nếu tiếp tục bảo quản sẽ hư hỏng, ô nhiễm. Vì vậy, Sở LĐ-TB-XH đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận để Trung tâm Thị Nghè hủy gần 10 tấn gạo để ngoài sổ sách kế toán trên.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.