TP Hồ Chí Minh: Bất cập trong quản lý thị trường nhà đất

28/11/2004 22:44 GMT+7

Cuối tuần qua, Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiệm thu đề tài "Cơ chế quản lý để vận hành và phát triển thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh" do Tiến sĩ Trần Du Lịch làm chủ nhiệm. Vấn đề nổi bật "nhà nhà mua đất, người người mua đất" - diễn ra trong vài năm qua - đã được đưa ra mổ xẻ tại đây.

Đầu cơ đất tràn lan do chủ trương không đúng

Dù thừa nhận "đầu cơ là một thực tế khách quan của nền kinh tế thị trường. Với vai trò là một nguồn cung cho các cuộc khủng hoảng thiếu hay nguồn cầu cho cuộc khủng hoảng thừa gây đột biến giá, đầu cơ trở thành yếu tố tích cực góp phần điều tiết cung - cầu", thế nhưng nhóm tác giả cho rằng tình hình đầu cơ bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP thời gian qua là "tràn lan, phá vỡ quy hoạch chung của TP".

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này "bắt nguồn từ một chủ trương không đúng của TP". Đó là từ năm 1999, UBND TP cho phép thí điểm sử dụng đất xây dựng nhà ở lẻ tại các quận huyện. Hàng loạt các dự án khu dân cư ra đời theo chủ trương này, trong đó, ngoài một số ít khu vực đáp ứng yêu cầu cho người chưa có nhà ở, nhiều khu khác chỉ lập quy hoạch rồi phân lô bán đất, một số hộ nông dân thậm chí đã phân lô bán đất trái phép không qua việc lập và xét duyệt quy hoạch, dẫn đến tình trạng mua bán đầu cơ đất và xây dựng trái phép tràn lan; hình thành các khu dân cư không bảo đảm yêu cầu tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển ổn định, bền vững của TP.

Ông Võ Đình Quốc - Phó giám đốc Công ty Địa ốc ACB, thành viên Hội đồng nghiệm thu phát biểu: "Trong nhiều bất cập về quản lý thị trường BĐS trong thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh, bất cập đầu tiên và lớn nhất là cơ chế quản lý của Nhà nước, từ đó kéo theo các bất cập khác, trong đó việc chậm trễ công nhận thị trường BĐS là một sai lầm. Theo tôi, ngoài nguyên nhân do cơ chế nói trên còn có vấn đề quy hoạch không công khai. Ai nắm được quy hoạch là sẽ mua gom đất để thủ lợi, tạo nên tình trạng đầu cơ cục bộ".

Giải pháp "nóng"

Để ngăn chặn đầu cơ đất đai, nhóm tác giả đề tài cho rằng cần phải điều tiết qua thuế với 2 nhóm đối tượng:

Loại thứ nhất đánh vào thu nhập phát sinh từ hoạt động khai thác khả năng sinh lợi của đất. Phạm vi áp dụng của loại thuế này là đất ở và đất xây dựng công trình, trong đó đất ở đang sử dụng ổn định thì thuế suất sẽ đánh thấp với phần diện tích trong hạn mức và tính lũy tiến đối với phần diện tích vượt hạn mức; thuế suất được tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị đất theo giá thị trường chứ không phải tính theo số kg thóc như hiện nay. Mặt khác, Nhà nước cần áp dụng một hình thức "thuế phạt" đối với người sử dụng đất không có nhu cầu để ở mà nhận chuyển nhượng đất, hoặc mua nhà gắn liền với đất rồi chờ khi tăng giá đem bán lại...

Loại thứ hai đánh vào thu nhập phát sinh do hoạt động chuyển quyền sử dụng đất và kinh doanh BĐS. Đối với hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, có thể áp dụng các mức thuế khác nhau theo hướng tăng dần tỷ lệ phần trăm trên giá trị đất tăng lên mà họ được hưởng lợi nhưng tối đa không quá 50% trên tổng giá trị đất tăng lên. Đối với hoạt động kinh doanh nhà ở, xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê (kể cả kinh doanh kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp), Nhà nước điều tiết từ 40 - 60% giá trị đất tăng lên không do họ đầu tư mà có. Ngoài ra, một số giải pháp khác như điều tiết qua thuế giá trị gia tăng của đất (còn gọi là phí đầu tư phát triển) hoặc giải pháp thu hồi đất tăng lên so với diện tích đất đầu tư... cũng đã được các chuyên gia của Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh đề xuất. Ông Nguyễn Trung Thông - Phó ban Chỉ đạo cải cách hành chính TP Hồ Chí Minh cho biết hiện thành phố đang xúc tiến nghiên cứu đề tài "Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS thành phố", cùng với đề tài nghiên cứu của Viện Kinh tế, sau khi hoàn chỉnh, thẩm định, đưa ra áp dụng sẽ tạo được những chuyển biến đáng kể trong hoạt động của thị trường BĐS trong tương lai.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.