Trong số báo ngày 31.12.2024, Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng "chợ tình" ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) diễn ra công khai ở một số khu vực tại TP.HCM. Theo đó, nhóm MSM không cần biết bạn tình là ai, chỉ bằng cái nháy mắt là sẵn sàng quan hệ tình dục, có lúc quan hệ tập thể, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội, bao gồm HIV/AIDS.
Chiếm 61% người mới nhiễm HIV
Thông tin với PV Báo Thanh Niên, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết những năm gần đây, vấn đề nhiễm HIV trong nhóm MSM đang trở thành mối quan tâm của công tác phòng chống HIV/AIDS. Theo thống kê của HCDC, trong số 2.544 ca nhiễm mới phát hiện trong 9 tháng năm 2024 ở TP.HCM, có đến 61% là người thuộc nhóm MSM.
Tính đến tháng 9.2024, TP.HCM có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV. Theo ước tính của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vào năm 2022, nhóm MSM tại TP.HCM có 37.167 người. Kết quả giám sát trọng điểm HIV hằng năm tại TP.HCM cho thấy tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm này duy trì ở mức cao, dao động từ 12,3 - 15%.
Trước thực trạng nói trên, từ năm 2020 đến nay, chương trình phòng chống HIV/AIDS của TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp nhằm kiểm soát tình hình nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao, trong đó có nhóm MSM. Cụ thể, TP.HCM tăng cường các hoạt động tiếp cận trực tiếp qua đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng và tiếp cận nhóm MSM được đẩy mạnh trên nền tảng online như thông tin khuyến cáo trên các trang mạng xã hội, ứng dụng di động Facebook, Zalo… Trong 9 tháng năm 2024 đã có 11.671 người thuộc nhóm MSM được tư vấn và cấp phát các vật phẩm giảm hại như bơm kim tiêm, bao cao su...
Đặc biệt, TP.HCM đã mở rộng hoạt động dự phòng trước phơi nhiễm HIV tại 39 phòng khám thuộc 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm nhanh HIV tại cộng đồng trên địa bàn, giúp tăng khả năng tiếp cận xét nghiệm HIV cho nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM. Bên cạnh đó, mạng lưới gồm 43 phòng xét nghiệm khẳng định HIV công lập và ngoài công lập rộng khắp địa bàn TP.HCM, đảm bảo cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra, HCDC đang phối hợp với Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV - Trường ĐH Y Dược TP.HCM (VHATTC-UMP) thực hiện chương trình "Can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm MSM sử dụng chất khi quan hệ tình dục (CHEMSEX)". Trong đó thực hiện các nghiên cứu, đánh giá, thử nghiệm bộ công cụ can thiệp liên quan hướng tới đề xuất các hoạt động phù hợp triển khai tại TP.HCM. Với hàng loạt giải pháp như trên, TP.HCM kỳ vọng sẽ giảm và kiểm soát được bệnh HIV/AIDS nói chung và lây nhiễm trong nhóm MSM nói riêng.
Không kỳ thị
Ở góc độ điều trị cho người lớn, TS-BS Võ Triều Lý, Khoa Nhiễm E, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, thông tin sau đại dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân HIV/AIDS gia tăng cả về số lượng và độ nặng. Độ tuổi người nhiễm ngày càng trẻ hóa, trung bình từ 20 - 25 tuổi, có bệnh nhân 15 - 16 tuổi.
"Khoa đang điều trị 90 bệnh nhân HIV/AIDS, chủ yếu là nhóm MSM, trong đó có 95% bệnh ở giai đoạn cuối, có một số ca nhập viện do tác dụng phụ của thuốc", TS-BS Lý cho biết và thông tin thêm: "Có những bệnh nhân 15 - 16 tuổi nhập viện đã vào giai đoạn cuối AIDS, có trẻ bị lây từ mẹ sang con và trẻ bỏ thuốc điều trị nên trở nặng, nhưng cũng có trẻ bị lây nhiễm trong giới MSM".
BS CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 (nơi điều trị cho trẻ từ 15 tuổi trở xuống), cho biết thêm trong nhóm MSM ở TP.HCM có cả trẻ em thuộc lứa tuổi THCS, đa phần là trẻ có hoàn cảnh cha mẹ ly thân, chỉ sống với cha hoặc mẹ; hoặc do ông bà nuôi dưỡng. Các trẻ tìm bạn ở nhiều địa điểm khác nhau, từ mạng xã hội, hồ bơi, trường học và nhà vệ sinh trường học, rạp chiếu phim, cơ sở massage, karaoke… Theo bác sĩ, nhóm này có đặc tính lôi kéo đi chung với nhau, và một số trẻ bị người lớn hơn dụ dỗ.
Theo BS Dư Tuấn Quy, với nhóm MSM có nguy cơ thì phải uống thuốc dự phòng để tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng thì sẽ không bị lây nhiễm. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền phòng chống HIV từ trường học, khu công nghiệp, các địa điểm sống tập trung khác… "Nhu cầu tình dục thì không thể cấm đoán, phải làm sao cho an toàn và truyền thông để nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV đi xét nghiệm sớm để điều trị và phòng ngừa cho cộng đồng", TS-BS Võ Triều Lý khuyến cáo thêm.
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng không nên kỳ thị những người thuộc nhóm MSM mà điều quan trọng là phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa bệnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả chữa trị cũng như tuyên truyền để họ biết tự bảo vệ bản thân, bảo vệ lẫn nhau và tránh lây nhiễm HIV cho cộng đồng.
Giữ vững thành quả phòng chống HIV/AIDS
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1.12), TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhận định tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn TP.HCM từng bước được kiểm soát. Số người mắc HIV/AIDS mới, số người chuyển qua AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hằng năm liên tục giảm. TP.HCM cũng đã đạt được những thành quả nhất định với mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025. Theo đó, với mục tiêu 95 thứ nhất (95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình), TP.HCM đã đạt được 93,5%. Về mục tiêu 95 thứ hai (95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV), TP.HCM đã đạt được 92,8%. Trong mục tiêu 95 thứ ba (95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), TP.HCM đã đạt được 98%. Tuy nhiên, theo TS-BS Vĩnh Châu, tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiễm nhiều ở nhóm thanh niên trẻ, đặc biệt là nhóm MSM.
Trong khi đó, nguồn lực quốc tế tài trợ cho phòng chống HIV/AIDS bị cắt giảm. Việc giữ vững thành quả phòng chống HIV/AIDS trong những năm qua cũng như hoàn thành mục tiêu 95 - 95 - 95 vào năm 2025, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 là thách thức lớn đối với TP.HCM. Chính vì vậy, TP.HCM luôn xác định phòng chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua việc đầu tư ngân sách ngày càng lớn hơn cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS. UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn. Theo đó, TP.HCM bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình diễn tiến dịch bệnh.
Ngoài ra, TP.HCM đang có giải pháp, hỗ trợ chi phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS sinh sống, điều trị trên địa bàn (khoảng 4.000 người không đủ điều kiện mua). Hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng vi rút HIV cho bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT tại thành phố…
Bình luận (0)