(TNO) Sáng nay 30.12, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp thứ 17 (kỳ họp bất thường) và thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về việc thu phí đường bộ xe máy trên địa bàn TP.HCM.
Quy định về việc thu phí đường bộ đối với xe máy tại TP.HCM sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1.1.2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Theo đó, UBND cấp xã, phường, thị trấn sẽ tiến hành thu, qua 2 phương thức: người nộp phí sẽ đến UBND xã, phường, thị trấn để nộp phí; hoặc UBND xã, phường, thị trấn cử cán bộ hành thu (đến nhà người dân thu) và cấp biên lai thu phí cho người nộp phí
Đối tượng thu phí: phương tiện xe máy bao gồm xe máy 2 bánh, xe gắn máy (không kể xe máy điện) có đăng ký biển số xe tại TP.HCM hoặc xe đăng ký biển số xe tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu kê khai, nộp phí tại TP.HCM.
Trường hợp xe máy đăng ký tại TP.HCM nhưng đã nộp phí tại địa phương khác thì không phải nộp phí tại TP.HCM tương ứng với thời gian đã nộp phí.
Việc kê khai, nộp phí bắt đầu từ 1.1.2015 và không truy thu phí phải nộp trong 2 năm 2013 – 2014 theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Cụ thể mức thu phí là 50.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xylanh đến 100 cm3; 100.000 đồng/năm đối với loại xe trên 100 cm3 - 175 cm3; 150.000 đồng/năm đối với loại xe trên 175 cm3.
Các trường hợp được miễn thu: xe của lực lượng công an, quốc phòng; xe của chủ phương tiện là hộ nghèo theo quy định của pháp luật về hộ nghèo tại TP.HCM; xe của chủ phương tiện là học sinh, sinh viên các trường đóng tại địa bàn TP.HCM.
Về tỷ lệ để lại phục vụ công tác thu phí, trong năm đầu tiên thực hiện, mức tỷ lệ để lại cho đơn vị hành thu đề nghị áp dụng theo mức tối đa được quy định tại Mục 2, Điều 9 của Thông tư số 133/2014/TT-BTC, cụ thể đối với các phường, thị trấn được để lại 10% số phí thu được của quận để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định. Đối với các xã được để lại 20% số phí thu được của huyện để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định.
Số thu phí còn lại sau khi đã khấu trừ cho đơn vị thu phí sẽ được để lại một phần cho UBND quận, huyện chi cho công tác bảo trì hệ thống cầu đường bộ trên địa bàn phụ trách.
Các trường hợp không nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 186/2013/TT-BTC.
Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định; mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.
UBND phường, xã, thị trấn (cơ quan được giao thu phí) sẽ thực hiện công tác kiểm tra việc chấp hành đóng phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn quản lý và việc này được thực hiện tại các hộ dân.
Bình luận (0)