TP.HCM cần hành động trước nguy cơ 'chảy máu' nhân tài CLB bóng đá nữ

02/01/2024 07:23 GMT+7

Việc các đội bóng đá miền Bắc 'dạm hỏi' gần hết đội hình chính CLB nữ TP.HCM sau khi hết hợp đồng đã đặt ra cho những người làm thể thao thành phố bài toán nan giải.

ĐƯỢC MỜI CHÀO VỚI MỨC THU NHẬP CAO

TP.HCM xin đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 10 năm 2026, với tổng kinh phí tổ chức dự trù 1.000 tỉ đồng. Ở lần đăng cai gần nhất năm 2006 trên sân nhà, thành phố đã chứng kiến các cô gái Hà Tây đoạt HCV môn bóng đá nữ. Sau 20 năm, bóng đá nữ TP.HCM đang ở vị thế thống trị giải quốc nội với 8 lần đăng quang, 1 ngôi á quân trong 9 mùa giải vô địch quốc gia (5 mùa gần nhất vô địch liên tiếp từ 2019 - 2023). Với lực lượng đang là bộ khung của đội tuyển nữ VN, chắc chắn bóng đá nữ sẽ nhận trọng trách chủ lực "săn vàng" cho thể thao thành phố.

TP.HCM cần hành động trước nguy cơ 'chảy máu' cầu thủ nữ- Ảnh 1.

Tiền vệ Thùy Trang (giữa) sắp hết hợp đồng với đội nữ TP.HCM

Minh Tú

Nhưng đó là viễn cảnh của gần 3 năm tới. Còn lúc này, bóng đá nữ TP.HCM bước vào năm 2024 với dấu hỏi lớn: Làm thế nào để CLB nữ TP.HCM giữ chân gần hết đội hình chính? Những Kim Thanh, Bích Thùy, Chương Thị Kiều, Thùy Trang, Trần Thị Thu, Thu Thảo… đều hết hợp đồng sau ngày 31.12.2023 và nhận được các lời đề nghị nghiêm túc từ một đội bóng phía bắc.

Năm 2022, CLB Thái Nguyên từng chiêu mộ 3 cầu thủ nữ TP.HCM, trong đó Mỹ Anh nhận 500 triệu đồng/2 năm kèm mức lương công bố là 30 triệu đồng/tháng, Hoài Lương nhận 400 triệu đồng/2 năm tiền lót tay và lương 30 triệu đồng/tháng. Nhìn vào trình độ của những Bích Thùy, Kim Thanh, Trần Thị Thu…, tin rằng mức đãi ngộ đưa ra năm nay sẽ cao hơn nhiều.

PHẢI CÓ "CẦN CÂU" BỀN VỮNG

Năm 2023, Sở VH-TT TP.HCM đã huy động nguồn lực xã hội hóa để giữ chân các tuyển thủ quốc gia và đầu tư cho đội trẻ, với tổng số tiền tài trợ là 8 tỉ đồng (trong đó Liên đoàn Bóng đá TP.HCM góp 1 tỉ đồng). Tuy nhiên, hợp đồng này đã hết hạn vào năm nay và 2 doanh nghiệp thôi không tiếp tục bảo trợ cho bóng đá nữ. Được biết, sau kỳ nghỉ năm mới, lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM, Trung tâm TDTT Thống Nhất là đơn vị quản lý trực tiếp sẽ gặp mặt, trò chuyện để nắm bắt tâm tư và nguyện vọng nhóm nữ cầu thủ trụ cột vừa hết hợp đồng.

Ông Nguyễn Nam Nhân, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: "Chúng tôi đã có cơ chế mời gọi các doanh nghiệp cùng chung tay xã hội hóa, nhưng phải thừa nhận so với bóng đá nam, bóng chuyền nam thì sự quan tâm dành cho bóng đá nữ ít hơn. Đến lúc này, Sở VH-TT TP.HCM đang cố gắng vận dụng chính sách để trả lương cho cầu thủ từ 13 - 14 triệu đồng/tháng - vẫn cao so với lương công chức - để trả bù thêm thiệt thòi không có tiền lót tay bồi dưỡng. Nếu cùng đội tuyển nữ VN đoạt HCV SEA Games thì các bạn còn được hỗ trợ tài năng mỗi tháng trên 10 triệu đồng.

Chắc chắn, Sở VH-TT TP.HCM phải vào cuộc quyết liệt để giữ chân bộ khung trụ cột CLB nữ, đây là lực lượng đóng góp thành tích to lớn cho bóng đá nữ thành phố trong suốt thời gian qua, và tiền đề cho thành tích bóng đá nữ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 10 mà thành phố sắp đăng cai. Về lâu dài, chúng tôi sẽ phải đề ra phương án đặc thù để UBND TP.HCM có định hướng, chỉ đạo hiệu quả, giúp bóng đá nữ xây dựng được "cần câu" bền vững, tạo nguồn thu ổn định. Đó là yêu cầu bắt buộc của chúng tôi, để trong tương lai các cầu thủ nữ sẽ có thu nhập ổn định, với mức đãi ngộ phù hợp với cơ chế bóng đá chuyên nghiệp".

Được biết, những năm qua UBND TP.HCM đã giao Công ty Bình Minh Group chăm sóc cho bóng đá nam bằng nguồn quảng cáo ở trung tâm thành phố. Thiết nghĩ, ngân sách cho bóng đá nữ chỉ bằng một góc nhỏ so với bóng đá nam. Nếu thành phố áp dụng phương thức tương tự, bóng đá nữ thành phố sẽ có được con đường phát triển bền vững lâu dài, xứng với vị thế cái nôi hàng đầu, luôn là bộ khung đem về biết bao chiến thắng của đội tuyển nữ VN qua các thời kỳ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.