Ngày 15.7, tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã trình bày về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (metro) tại TP.HCM theo Kết luận số 49 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tờ trình về đề án này trước đó đã được UBND TP.HCM báo cáo tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 31 hồi tháng 6.2024.
Việc xây dựng các tuyến metro được xem là "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của thành phố.
Theo đề án, đến năm 2035, TP.HCM sẽ xây dựng hoàn thành khoảng 183 km với 6 tuyến đường sắt đô thị. Sau đó, đến năm 2045, TP.HCM xây dựng thêm hơn 168 km để hoàn thiện 7 tuyến đường sắt, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 351 km. Và đến năm 2060, dự kiến TP.HCM có 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510 km.
Theo đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ cho 6 tuyến metro (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng) giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng hơn 871.000 tỉ đồng (36,33 tỉ USD).
Để đạt mục tiêu này, TP.HCM đề xuất 28 cơ chế thuộc 6 nhóm về: quy hoạch; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư xây dựng; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, định mức, đơn giá; tổ chức quản lý, khai thác.
HĐND TP.HCM bầu 4 nhân sự mới
Về cơ cấu nguồn vốn thực hiện sẽ được xây dựng trên các nguyên tắc: thứ nhất, đối với các tuyến đang triển khai đầu tư ODA thì các đoạn tuyến còn lại xem xét, nghiên cứu phương án có thể sẽ tiếp tục đầu đầu tư theo vay vốn ODA; thứ hai, tập trung ưu tiên ngân sách nhà nước cho các tuyến còn lại, ưu tiên bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm, khai thác hiệu quả nguồn lực từ quỹ đất, phát hành trái phiếu...
Nếu được HĐND TP.HCM thông qua tờ trình, đề án này sẽ được trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Bình luận (0)