Cân nhắc kỹ sắp xếp đơn vị hành chính

11/11/2024 06:16 GMT+7

Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có thông báo kết luận về đề xuất, kiến nghị sắp xếp, điều chỉnh ranh địa giới hành chính giữa Q.8 và H.Bình Chánh.

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thống nhất đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, đồng thời giao cơ quan này lãnh đạo UBND TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, xin chủ trương trong quá trình xây dựng Đề án đầu tư, xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 để đồng bộ, không xáo trộn trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Quận muốn mở rộng, huyện muốn giữ nguyên

Theo nội dung tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, Ban Thường vụ Quận ủy Q.8 đề xuất 2 phương án sắp xếp, điều chỉnh ranh địa giới hành chính với H.Bình Chánh. Phương án 1 là điều chỉnh ranh 8 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 16 của Q.8 với 4 xã Bình Hưng, Phong Phú, An Phú Tây và Tân Kiên của H.Bình Chánh. Ranh giới mới của Q.8 bắt đầu tư kênh Đôi - sông Ông Lớn ra đường Nguyễn Văn Linh đến chợ đầu mối Bình Điền, ra sông Chợ Đệm - đến rạch Nước Lên - dự án tái định cư Cảng Phú Định - rạch Ruột Ngựa - kênh Tàu Hũ.

Với phương án này, một phần diện tích thuộc 3 xã Bình Hưng, Phong Phú và An Phú Tây sáp nhập vào các phường liền kề của Q.8. Khi đó, Q.8 rộng khoảng 27,2 km2, tăng 9 km2 sáp nhập từ H.Bình Chánh, dân số hơn 578.00 người, mật độ dân số 21.254 người/km2, giảm 5.393 người/km2 so với trước khi điều chỉnh.

Cân nhắc kỹ sắp xếp đơn vị hành chính- Ảnh 1.

Khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM)

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Phương án 2 cũng điều chỉnh ranh địa giới hành chính các phường, xã giống phương án 1, nhưng ranh địa giới hành chính mở rộng hơn, bắt đầu từ kênh Đôi đến sông Ông Lớn - ra đường Nguyễn Văn Linh - ra QL1 - đến sông Chợ Đệm - đến rạch Nước Lên - dự án tái định cư cảng Phú Định - rạch Ruột Ngựa - kênh Đôi. Với phương án này, diện tích Q.8 mở rộng lên 28,3 km2, dân số hơn 579.000 người sau khi sáp nhập một phần các xã Bình Hưng, Phong Phú và An Phú Tây. Trong cả 2 phương án, một phần nhỏ diện tích và dân số của Q.8 cũng được sáp nhập vào xã Tân Kiên của H.Bình Chánh.

Đề xuất trên của Q.8 không được UBND H.Bình Chánh đồng tình. Theo UBND H.Bình Chánh, địa phương đang tiếp tục hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng H.Bình Chánh thành quận hoặc thành thành phố giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, việc điều chỉnh ranh địa giới theo đề xuất của Q.8 sẽ ảnh hưởng rất lớn sự phát triển KT-XH của huyện và 3 xã Bình Hưng, Phong Phú và An Phú Tây; đồng thời một số xã sẽ có nguy cơ không đủ điều kiện để đạt tiêu chuẩn phường theo quy định.

Bên cạnh đó, Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát triển Bình Chánh đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị loại 3, bao gồm toàn bộ ranh địa giới hành chính hiện tại. Mặt khác, việc điều chỉnh ranh địa giới hành chính sẽ làm xáo trộn, ảnh hưởng đến nhiều mặt về đời sống, văn hóa của người dân trong khu vực cũng như gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, cả 2 phương án mà Q.8 đề xuất đều có phần diện tích nhập vào Q.8 là trụ sở làm việc của Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ VN xã Bình Hưng.

TP.HCM trình Chính phủ phương án sáp nhập 80 phường

Chọn thời điểm "không gây xáo trộn lớn"

Trong 2 phương án mà Q.8 đề xuất, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM chọn phương án 2 để phù hợp về quy hoạch, tổ chức không gian, ranh địa giới hành chính giữa các tuyến, trục giao thông lớn. Phân tích mặt thuận lợi, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM cho biết việc điều chỉnh sẽ giải quyết triệt để những bất hợp lý về phân định địa giới hành chính giữa 2 địa phương, khắc phục việc chồng lấn ranh, phù hợp với phương án thành lập thành phố phía nam, đồng thời tạo dư địa về đất đai để phát triển Q.8.

Dù vậy, việc sáp nhập cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện H.Bình Chánh rộng 252,5 km2, đạt 56% tiêu chuẩn diện tích và dân số hơn 810.000 người, đạt 675% tiêu chuẩn dân số theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dù H.Bình Chánh không thuộc diện phải sắp xếp nhưng nếu phải điều chỉnh ranh địa giới và giảm 4 xã thì địa phương chỉ rộng 244,4 km2, tương ứng 54% tiêu chuẩn nên sẽ tăng nguy cơ huyện không đạt chuẩn về diện tích và có thể đưa vào diện sắp xếp. Ngoài ra, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 mà UBND TP.HCM chuẩn bị trình Chính phủ cũng được xây dựng trên cơ sở ranh địa giới hành chính hiện hữu.

Từ đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đề nghị Thường trực Thành ủy TP.HCM chưa thực hiện điều chỉnh ranh địa giới hành chính 2 quận, huyện trong thời điểm này. Ban Cán sự nhận định nếu kết hợp vào thời điểm trình phương án chuyển H.Bình Chánh lên đô thị loại 3 hoặc thành phố thuộc TP.HCM sẽ "không gây xáo trộn lớn" trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Song song đó, cần thành lập tổ liên ngành giữa Q.8 và H.Bình Chánh để cùng phân tích, bàn bạc, phối hợp giải quyết từng bất cập đặt ra. Ngoài ra, cần bổ sung cơ sở khoa học và ý kiến của các sở, ngành liên quan, tổ chức nghiên cứu đề án điều chỉnh địa giới, đánh giá tác động thật kỹ lưỡng, chọn phương án điều chỉnh phù hợp và khả thi.

Hiện nay, TP.HCM đang khẩn trương, hoàn thiện hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trình Bộ Nội vụ thẩm định. Do đó, đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính của Q.8 và H.Bình Chánh sẽ được UBND TP.HCM tiếp tục nghiên cứu, xin chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy trong quá trình xây dựng Đề án chuyển H.Bình Chánh thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM vào năm 2030 để đồng bộ, không gây xáo trộn đến đời sống người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.