TP.HCM 'càng chống càng ngập', đại biểu HĐND đòi đổi tên trung tâm chống ngập

10/12/2015 19:40 GMT+7

'Phải chăng là chúng ta không thể chống ngập mà phải đổi tư duy thành sống chung với ngập? Như vậy, nên chăng thay đổi Trung tâm chống ngập thành Trung tâm thích ứng ngập cho phù hợp?', đại biểu Vương Đức Hoàng Quân bức xúc.

'Phải chăng là chúng ta không thể chống ngập mà phải đổi tư duy thành sống chung với ngập? Như vậy, nên chăng thay đổi Trung tâm chống ngập thành Trung tâm thích ứng ngập cho phù hợp?', đại biểu Vương Đức Hoàng Quân bức xúc.

Cảnh tượng người dân TP.HCM lội giữa biển nước sau một cơn mưa lớn - Ảnh: Phạm HữuCảnh tượng người dân TP.HCM lội giữa biển nước sau một cơn mưa lớn - Ảnh: Phạm Hữu
Bức xúc trước việc TP.HCM càng chống càng ngập, đại biểu HĐND TP.HCM (ĐB) Vương Đức Hoàng Quân đặt câu hỏi: “Phải chăng là chúng ta không thể chống ngập mà phải đổi tư duy thành sống chung với ngập? Như vậy, nên chăng thay đổi Trung tâm chống ngập thành Trung tâm thích ứng ngập cho phù hợp?"
TP.HCM chừng nào hết ngập? 
Câu hỏi vì sao TP.HCM càng chống càng ngập, khi nào mới hết ngập, được nhiều đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐB HĐND) TP.HCM đặt ra trong phiên chất vấn hôm nay (10.12).
Chiều 10.12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín dành nhiều thời gian trả lời vấn đề này.
“Việc chống ngập TP đã làm nhiều năm nhưng không hiệu quả. Có người còn nói TP 'chống đầu này, ngập đầu kia', càng chống thì tình trạng ngập càng trầm trọng hơn”, ông Tín nhìn nhận.
Ông Tín cũng đánh giá tình trạng ngập ở TP.HCM không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của TP nói riêng và khu vực, cả nước nói chung. 

Việc chống ngập TP đã làm nhiều năm nhưng không hiệu quả. Có người còn nói TP 'chống đầu này, ngập đầu kia', càng chống thì tình trạng ngập càng trầm trọng hơn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Nguyễn Hữu Tín

Tuy nhiên, để chống ngập với các biện pháp căn cơ, toàn diện thì “làm nhanh cũng mất 5 năm nữa”, ông Tín nói.
Theo ông Tín, qua tổng kết từ thực tiễn cũng như góp ý từ chuyên gia khoa học thì TP đã có một đề án chống ngập.
“Trong đó, có giải quyết thoát nước trong nội thành (nạo vét kênh rạch, làm thông thoáng dòng chảy, cống) cần tổng chi phí cho 5 năm ước khoảng 88.000 tỉ đồng (chỉ riêng cho thoát nước mưa, nước thải). Bên cạnh đó, là đầu tư hệ thống nhà máy nước thải (đã có kế hoạch) và dự toán cũng cả trăm triệu USD. Để ngăn triều cũng cần khoảng 68.000 - 70.000 tỉ đồng để làm hệ thống cống, đê bao ngăn triều trên toàn TP; trong đó hiện có nguồn từ trung ương được khoảng 20.000 tỉ)", ông Tín cho biết
Theo lãnh đạo TP, trong thời gian này TP đang thực hiện những giải pháp tình thế để xử lý điểm ngập. Đồng thời, sắp tới TP sẽ lắp đặt các trạm quan trắc để cảnh báo các điểm có thể ngập khi mưa lớn, qua đó có hướng xử lý tức thời.
Dự án “treo” rất phiền cho dân
Nhiều công trình, dự án kéo dài, “treo”, chậm trễ gây phiền hà, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng được các ĐB chất vấn các cơ quan liên quan.
ĐB Dương Văn Nhân nêu cụ thể: Các đường Tân Kỳ Tân Quý, vòng xoay Bà Quẹo, vòng xoay Ngã tư 4 xã đã có dự án nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Vậy xin hỏi khi nào những con đường này mới được làm?
Còn ĐB Nguyễn Hoàng Minh thì chất vấn: “Hơn một năm nay, cử tri quận Gò Vấp cứ hỏi cầu vượt ngã 6 Gò Vấp có làm không, nếu làm thì khi nào mới làm?
“Khu dân cư y tế quận 2 có đường quy hoạch 20 m, sau đó hạ xuống còn 12 m. Thế nhưng quy hoạch treo 12 năm rồi. Xin cho chúng tôi biết khi nào con đường này mới được làm? Hiện giờ đường cỏ mọc um tùm, nước đọng, ruồi muỗi đầy rất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, đường cũng không có đèn đường, buổi tối rất âm u. Người dân chúng tôi thời gian qua luôn lo lắng khi tối đi qua con đường này, sống tại khu vực này chúng tôi cứ nơm nớp lo sợ trộm cướp”, cử tri Lê Thị Bạch Tuyết (quận 2) bức xúc chất vấn qua điện thoại trong phiên họp HĐND TP.HCM.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín trả lời chất vấn về ngập nước và quy hoạch - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tương tự, ĐB Phạm Thị Thanh Hiền cũng có ý kiến về quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc đang ảnh hưởng đến hơn 10.000 người dân.
“Quy hoạch khu đô thị mới trên đất của người dân đã sinh sống ổn định, lâu năm. Nhiều hộ dân tại đây hiện giờ không thể tách thửa khi con lớn lập gia đình và muốn ra riêng, không thể đầu tư phát triển trồng lan vì phải bỏ vốn nhiều mà không biết khi nào thu hồi đất, di dời,… Vậy UBND, sở ngành có giải pháp nào để giải quyết quyền lợi cho người dân?”, ĐB Hiền nói. 

Đến nay, người dân vẫn kêu quy hoạch vẫn còn 'treo', trong khi các sở nói 'đã xong' quy hoạch, thu hồi dự án. Vấn đề là tổ chức thực hiện. Lẽ ra địa phương phải bóc tách ra, thông báo, giải thích cho dân biết đã có những quy hoạch nào đã được bỏ.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Nguyễn Hữu Tín

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhìn nhận quy hoạch “treo”, kéo dài rất phiền cho người dân, ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội.
Theo Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Thanh Toàn: quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc hiện chưa có dự án đầu tư cụ thể nên đang kéo dài. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã trình UBND xin chủ trương để ban hành một số quy định, quy chế để quản lý khu dân cư hiện hữu trong khu đô thị mới, giải quyết nguyện vọng cho bà con.
Trả lời những chất vấn của HĐND, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định, TP.HCM đã hoàn thành quy hoạch phân khu. Trong đó, đã xóa nhiều quy hoạch “treo” lâu năm, không phù hợp. Các quy hoạch này đều được UBND TP chỉ đạo UBND quận, huyện công bố cho người dân. Tuy nhiên, thực tế, cách làm của các quận, huyện là đóng tập nguyên đồ án để đó, ai cần thì coi, khiến người dân không biết quy hoạch như thế nào, nhiều dự án tháo dỡ rồi mà không biết.
“Đến nay, người dân vẫn kêu quy hoạch vẫn còn “treo”, trong khi các sở nói “đã xong” quy hoạch, thu hồi dự án. Vấn đề là tổ chức thực hiện. Lẽ ra địa phương phải bóc tách ra, thông báo, giải thích cho dân biết đã có những quy hoạch nào đã được bỏ”, ông Tín nói.
Vì vậy, ông Tín khẳng định, UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện thay đổi cách công khai quy hoạch cho người dân biết rõ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.