Chiêu trò đánh lừa bằng hợp đồng tư vấn
Ngày 12.3, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết thời gian qua, đơn vị này tiếp nhận phản ánh về một số trường hợp người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận ký hợp đồng tư vấn, giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài, cụ thể là sang Canada, nhưng sau đó không thực hiện được các nội dung ký kết ban đầu.
Có nhiều trường hợp bỏ tiền cho hợp đồng tư vấn đi xuất khẩu lao động nhưng các chi phí này cao hơn rất nhiều so với chi phí đi sang các thị trường tuyển dụng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Gần đây, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng tiếp nhận phản ánh của một doanh nghiệp bị mạo danh để tư vấn, giới thiệu chương trình đi làm việc tại Úc trên mạng xã hội.
Với các vụ việc phản ánh, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM xác minh, xét thấy nội dung vụ việc có dấu hiệu lừa đảo vi phạm pháp luật sẽ gửi văn bản chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền.
Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, hiện nay nhiều người lao động xem tin tức trên mạng xã hội, nghe lời truyền miệng rồi đến các địa chỉ chưa được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hoặc xuất khẩu lao động. Sau đó, với các thỏa thuận dễ đánh lừa, người lao động ký hợp đồng tư vấn, dịch vụ và nhầm tưởng đó là hợp đồng đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, bản chất của sự việc là tư vấn, giới thiệu cho người lao động xin thủ tục nhập cảnh các nước theo hình thức du học kết hợp làm việc hoặc theo hình thức cá nhân, tức giới thiệu các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài đang có nhu cầu tuyển dụng để hướng người lao động Việt Nam tự thỏa thuận trực tiếp với người sử dụng lao động. Và người lao động phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để trả cho hợp đồng tư vấn này nhưng kết quả "tiền mất tật mang".
Làm sao để tránh sập bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động?
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho hay, để tránh bị lừa đảo, người dân phải tìm hiểu thông tin chính thống, kiểm tra, đối chiếu thông tin để xác định các cá nhân, tổ chức có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hay đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hay không? Từ đó, cần nâng cao cảnh giác.
Nếu muốn tìm việc trong nước, người lao động có thể liên hệ các trung tâm hoạt động dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm để lựa chọn việc phù hợp. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 11 trung tâm dịch vụ việc làm và trường nghề có bổ sung chức năng hoạt động dịch vụ việc làm, 131 doanh nghiệp có cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm. Danh sách này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Sở LĐ-TB-XH (sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn).
Nếu muốn đi làm việc ở nước ngoài, người lao động có thể tìm hiểu thông tin tại trang thông tin điện tử của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.
Hiện nay có 5 chương trình gồm EPS (cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc); chương trình thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản; chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản; chương trình đưa người lao động đi học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức trong ngành điều dưỡng đa khoa; chương trình đi làm việc tại Đài Loan.
TP.HCM có 106 doanh nghiệp, chi nhánh có trụ sở trên địa bàn thành phố có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Danh sách các đơn vị được cấp phép lĩnh vực này được đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (http://www.dolab.gov.vn).
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 12.3
Bình luận (0)