TP.HCM cho hàng quán hoạt động lại: Người vui, người dè chừng

10/09/2021 16:46 GMT+7

Khi thành phố dần trở lại trạng thái bình thường mới, cho hàng quán hoạt động lại, những bạn trẻ kinh doanh nhỏ lẻ cảm thấy vui mừng, số khác còn do dự và tiếp tục chờ đợi thêm thời gian tới.

Người dân TP.HCM cảm thấy phấn chấn khi đón nhận thông tin chính quyền cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được mở cửa từ 6 - 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán mang về từ ngày 8.9. Quyết định mở cửa quán ăn được TP.HCM đưa ra sau 2 tháng tạm dừng hoạt động này để thực hiện Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn thành phố từ hôm 9.7.

Vui vì được mở bán trở lại

Hai ngày qua, Đỗ Thanh Thảo (28 tuổi, ngụ đường Lê Trọng Tấn, Q.Tân Phú, TP.HCM) vui mừng vì quán cà phê được mở cửa bán mang đi sau bao ngày im lìm. Thảo kể, từ khi đóng cửa nghỉ dịch, việc kinh doanh thiệt hại rất nhiều, nhất là tiền thuê mặt bằng. Những nguyên vật liệu tươi cũng phải tự mình dùng hết vì sợ hết hạn sử dụng. Cô và chồng phải sử dụng tiền tiết kiệm và từ nguồn khác để duy trì quán.
“Được cái cả nhà tôi đều đã tiêm hai liều vắc xin. Chúng tôi bán theo cách 'ba tại chỗ', không nhân viên và tuân thủ biện pháp 5K”, Thảo chia sẻ.
Từ hôm qua (9.10), phía ngoài quán, Thảo đặt ghế làm hàng rào, bên trong để bảng hiệu chỉ bán mang đi. Mở cửa nhưng chỉ bán những món như cà phê, trà đào, trà sen... Các shipper cũng nườm nượp kéo đến vì lượng người đặt hàng tăng cao. Số lượng bán ra cũng được 1/3 của lần bán bình thường, đó là niềm vui trong ngày mở cửa lại. “Khó khăn lớn là mua nước đá vì không ai giao. Cuối cùng tôi cũng tìm được mối nước đá ở nơi xa hơn”, Thảo nói.

Những bạn trẻ khác chờ ngày 15.9 mới dám tính đến chuyện mở lại quán

NVCC

Đồng thời, Thảo xây dựng lại trang bán hàng cá nhân, kết nối đến các ứng dụng bán hàng. Song song đó, cô mong cuộc sống sớm trở lại bình thường để cảnh buôn bán đỡ khổ cực hơn. Ngoài ra, cô mong mình được đi làm trở lại để nguồn thu có thể bù đắp lại cho khoảng thời gian nghỉ dịch.

Chờ thời điểm để bán lại

Nguyễn Nguyên Dạ Thảo (28 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) là nhân viên ngân hàng. Từ năm ngoái, cô chọn nghề bán mì quảng, bún bò làm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập.
Trước đây, mỗi ngày bình thường Thảo bán hàng trăm phần bún, mì qua hình thức trực tuyến. Cô bán qua các mối quen từ bạn bè và từ trang cá nhân. Tuy nhiên, cũng vào cuối tháng 7 vừa rồi việc buôn bán của Thảo bị đóng băng theo chỉ thị chống dịch nghiêm hơn của thành phố.
“Bây giờ thời điểm cho bán mang đi nhưng tôi vẫn chưa có ý định bán lại. Tôi muốn chờ thời gian ổn định nữa bởi những hạn chế nhiều thứ chẳng hạn như các shipper không được đi liên quận, giao hàng nhanh gặp khó khăn vì món ăn tôi bán phải còn nóng khách mới ăn”, Thảo nói.

Nhiều bạn trẻ cũng dè chừng kinh doanh trở lại

Nguyễn Hồng Hạnh

Chưa bán lại nhưng Thảo đã lên kế hoạch cho ngày trở lại. Cô liên hệ những mối hàng quen để chuẩn bị nguyên liệu. Điều mong mỏi của Thảo hiện giờ dịch bệnh mau qua, thành phố trở lại trạng thái bình thường mới và các shipper được phép chạy liên quận. Có như vậy mới mong được việc buôn bán cải thiện lại thu nhập đã giảm trong thời gian qua.
Lại Quốc Dũng (32 tuổi, ngụ đường Nguyễn Tiểu La, Q.10, TP.HCM) chỉ buôn bán quần áo thời trang trẻ. Cũng như nhiều bạn trẻ khác Dũng cũng phải đóng kín cửa hàng, ngưng việc bán hàng trực tuyến từ nhiều tháng qua. Khoản tiền tiết kiệm trong 2 năm qua cũng tiêu tan chỉ vì vài tháng.
Tuy vậy, Dũng cũng cố cầm cự nhờ chủ nhà giảm chút ít tiền mặt bằng. Khi nghe tin thành phố tính phương án mở cửa sống chung với dịch, Dũng cảm thấy vui mừng. Anh tính những phương án khi mình kinh doanh trở lại.
“Nhưng giờ tôi cũng phải chờ đợi thêm xem thế nào. Nếu thành phố cho mở lại thì tôi sẽ làm ngay. Nhưng trước tiên tôi sẽ cố bán hàng tồn kho qua mạng. Đến khi nào đủ vốn lớn tôi sẽ nhập hàng mới và sẽ tung bán vào dịp tết này”, Dũng nói và chờ mong thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.