Đây là quan điểm đã được thống nhất trong công văn UBND TP.HCM vừa gửi Sở GTVT TP về lộ trình thực hiện Đề án "Thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố".
Theo đó, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương Sở GTVT TPHCM nghiên cứu triển khai đề án này, với điều kiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng phải đáp ứng đủ nhu cầu. Việc thu phí sẽ được thực hiện song song với lộ trình xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7.
Trong báo cáo gửi UBND TP trước đó, Sở GTVT nhấn mạnh việc triển khai hệ thống thu phí ô tô cần tuân theo một lộ trình phù hợp với khả năng đáp ứng của hạ tầng và giao thông công cộng. Đồng thời, Sở GTVT kiến nghị chỉ triển khai thu phí sau khi các tuyến đường sắt đô thị số 1 đến số 7 được hoàn thiện và đưa vào vận hành.
Lộ trình này phù hợp với định hướng được nêu trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, hiện đã được UBND TP trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Theo Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, đến năm 2035, thành phố sẽ hoàn thành xây dựng và vận hành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355 km. Hệ thống này dự kiến đáp ứng 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân, là cơ sở để giảm dần sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và thúc đẩy áp dụng các biện pháp quản lý giao thông như thu phí ô tô vào trung tâm.
Metro vận hành, ĐH Quốc gia TP.HCM mở thêm ngành học đáp ứng giao thông hiện đại
Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM không phải ý tưởng mới. Năm 2010, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong từng đề xuất dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỉ đồng, xây dựng 36 cổng thu phí tự động. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp nhiều ý kiến trái chiều từ chuyên gia và dư luận, dẫn đến việc không thể triển khai.
Đến năm 2020, HĐND TP đã thông qua nghị quyết về tăng cường vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cá nhân và thu phí ô tô vào trung tâm trong giai đoạn 2021 - 2025. Thành phố cũng dự kiến triển khai phân vùng kiểm soát khí thải và thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030.
Cuối năm 2021, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong trình bản đề án lần thứ 4 cho Sở GTVT. Doanh nghiệp đề xuất lập hệ thống cổng thu phí theo vành đai các tuyến đường: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8 - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Dự án được đề xuất thực hiện theo hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong 10 năm, tổng kinh phí 2.274 tỉ đồng. Tuy nhiên, đề án vẫn chưa thể triển khai do cần thêm hướng dẫn từ cơ quan chức năng.
Năm 2022, Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp lập dự án thu phí ô tô vào trung tâm.
Bình luận (0)