Chiều 7.1, trao đổi với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín khẳng định: “Các giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân mới chỉ là đề xuất của Sở GTVT gửi UBND TP xem xét trước khi xin chủ trương của T.Ư và các cơ quan có liên quan để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện trong tương lai. Hiện UBND TP chưa tổ chức họp bàn nên cụ thể các vấn đề ra sao thì chưa thể khẳng định được”.
Nếu hạn chế đăng ký ô tô ở TP.HCM sẽ xảy ra tình trạng người dân mang xe về các tỉnh để đăng ký rồi quay về TP hoạt động - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Trước đó, theo chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín và ý kiến của Bộ GTVT, Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương thức vận tải vào trung tâm TP. Theo đề án, giải pháp quản lý phương tiện đăng ký mới bằng việc cấp quotar (số lượng phương tiện được cấp có giới hạn trên cơ sở phù hợp với sự phát triển kết cấu hạ tầng hằng năm), tức chỉ cho cấp đăng ký phương tiện ở mức giới hạn/năm. Ngoài việc phải bỏ tiền mua phương tiện, chủ sở hữu phương tiện còn phải đóng tiền bảo hiểm, các loại thuế, phí..., đặc biệt phải đấu giá và nộp một khoản tiền để được quyền lưu hành xe. Tại khu vực nội đô, điều kiện để sở hữu phương tiện xe ô tô con là phải chứng minh được có chỗ đỗ xe.
Đề án cũng đề xuất một số giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn, trong đó kiến nghị Chính phủ cần áp dụng các biện pháp về kinh tế như thuế mua hàng, thuế nhập khẩu, phí đăng ký sử dụng ở mức cao và quy định về hạn mức; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại phương tiện cá nhân; tăng phí trước bạ phương tiện cá nhân đăng ký mới; tăng phí đăng ký phương tiện cá nhân đăng ký mới; thu phí môi trường (là khoản phí mà người sử dụng phương tiện cá nhân phải trả cho việc sử dụng phương tiện cá nhân gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn...).
Bình luận (0)