TP.HCM chuyển mình từ dòng chảy sông Sài Gòn

05/03/2024 06:39 GMT+7

Không chỉ là "xương sống" tinh thần và thiên nhiên, sông Sài Gòn còn chứa đựng tiềm năng kinh tế rất lớn, được xác định là một trong số ít những động lực thay đổi quan trọng của TP.HCM.

4 phân khu phát triển sông Sài Gòn?

Ngày 2.3 vừa qua, UBND TP.HCM tổ chức "Hội thảo phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine". Đây là lần đầu nhiều nghiên cứu toàn diện về tiềm năng khai thác dòng sông được đưa ra bàn thảo, sau lần Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn công tác TP đi tham quan, học kinh nghiệm quy hoạch sông Seine, Paris (Pháp) hồi giữa năm ngoái.

TP.HCM chuyển mình từ dòng chảy sông Sài Gòn- Ảnh 1.

Các chuyên gia nhấn mạnh tiềm năng kinh tế dọc hành lang sông Sài Gòn rất đa dạng, phong phú

NGỌC DƯƠNG

Từ sau khi phê duyệt đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045", TP.HCM đã từng bước khoác lớp áo mới hiện đại, thoáng mát, đẹp hơn rất nhiều cho đôi bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm TP. Công viên bến Bạch Đằng, quảng trường quanh tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, cánh đồng hoa hướng dương rực rỡ giữa công viên dọc bờ sông phía Thủ Thiêm, những tour du lịch đường sông từ ngày sang đêm…, những hạng mục đầu tiên làm tiền đề cho công cuộc cải tạo cảnh quan, khai thác không gian dọc bờ sông đã được TP.HCM dồn dập triển khai.

Tuy nhiên, đẹp thôi chưa đủ. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP đang cấp bách thực hiện 3 quy hoạch, gồm: TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060; và quy hoạch chung TP.Thủ Đức. Trong đó, sông Sài Gòn được xác định là trung tâm và điểm nhấn trong các quy hoạch trên. "Đây là 3 quy hoạch rất quan trọng cho sự phát triển của TP.HCM trong thời gian tới. Do vậy việc nghiên cứu để bảo tồn, phát huy giá trị của sông Sài Gòn trong quy hoạch chung TP.HCM và TP.Thủ Đức rất có ý nghĩa. Quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của TP trong thời gian tới", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trong đề án "Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045", TP.HCM dự tính sẽ chia sông Sài Gòn ra 2 vùng, gồm vùng thượng lưu từ hồ Dầu Tiếng đến cầu Phú Long (Q.12) và vùng trung - hạ lưu từ cầu Phú Long đến ngã ba Mũi Đèn Đỏ (ngã ba sông Sài Gòn - sông Soài Rạp, Q.7). Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới báo cáo, TS Nguyễn Thu Trà, Giám đốc dự án quy hoạch chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn (AVSE Global), cho biết dọc sông Sài Gòn đoạn chảy qua TP.HCM có nhiều vùng lãnh thổ và môi trường khác nhau, nên đòi hỏi điều chỉnh về quy hoạch không gian riêng để khai thác các tiềm năng cũng như bảo tồn giá trị cũ. Vì thế, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển hành lang sông theo 4 phân khu, dựa trên các lợi thế và đặc trưng riêng.

Cụ thể, phân khu đầu tiên được nghiên cứu theo định hướng kết nối các bản sắc, nằm ở đoạn cuối sông băng qua H.Củ Chi nối TX.Bến Cát (Bình Dương). Khu vực này nhiều đoạn còn hoang sơ nên nhóm đề xuất phát triển các công viên tự nhiên nhằm bảo tồn, kết hợp nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan, di sản vùng ngoại ô TP.HCM.

Phân khu thứ hai ở phía đông TP, phần lớn nằm trên ranh giới giữa TP.HCM và Bình Dương. Theo nhóm nghiên cứu, đoạn này có cảnh quan là vùng ven đô thị, nên có thể hình thành không gian "giao thoa" giữa thành thị và nông thôn. Trong đó, nơi này sẽ phát triển "công viên nông nghiệp" kết hợp giải trí, sinh thái, kích thích du lịch...

Phân khu thứ ba tập trung ở bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và vùng phụ cận. Nơi này được đề xuất phát triển đô thị hỗn hợp mật độ cao và công viên nông nghiệp, giải trí ngập nước...

Cuối cùng là đoạn qua trung tâm TP, từ ngã ba sông Đồng Nai đến cầu Sài Gòn. Đoạn sông này là lối vào vùng lõi đô thị TP.HCM, qua một số quận, huyện lâu đời và đông dân nhất. Do vậy, hành lang sông Sài Gòn nơi đây được hướng đến là khu phức hợp đa chức năng với các công trình hiện đại, tạo điểm nhấn..., thể hiện phát triển của TP.HCM.

Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đề xuất phát triển các hoạt động văn hóa mang tầm thế giới cùng nền tảng thương mại, dịch vụ quy mô lớn, tập trung ở khu vực Tân Thuận (Q.7).

Nối sông với biển để lấy lại tên gọi "Hòn ngọc Viễn Đông"

Đề án khi đã được cấp lãnh đạo cao nhất phê duyệt thì phải trở thành pháp luật, có bản quyền tác giả, không thay đổi, không điều chỉnh. Có như vậy, doanh nghiệp với người dân mới tin tưởng đầu tư, cùng chung tay đột phá kinh tế TP từ tiềm năng sông Sài Gòn.


KTS Nguyễn Ngọc Dũng

Góp ý cho đề án, PGS-TS Nguyễn Hồng Thục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng quy hoạch hành lang sông Sài Gòn không chỉ dừng lại ở 4 phân khu mà cần nối ra sông Soài Rạp phía Cần Giờ, hướng về biển; bởi kinh tế biển phải là động lực đột phá của TP.HCM. Theo bà Thục, TP.HCM có cơ hội lớn trên bản đồ hàng hải quốc tế. Hệ thống hàng hải khu vực châu Á tập trung tại các TP đảo như Singapore, Thâm Quyến - Hồng Kông, Thượng Hải - Macao, Busan và Tokyo. Trong đó, TP.HCM là một địa chỉ trung gian thu thập hàng hóa của các vùng "cửa ngõ" kể trên và kết nối trực tiếp với khu vực hệ thống cảng biển của Singapore.

"Singapore có những giới hạn và sự tách biệt về không gian dẫn đến những khó khăn cố hữu trong phát triển như sức ép về nhà ở, khả năng phát triển vận tải đường sắt và đường bộ, đòi hỏi về dịch vụ sản xuất sau cảng và sự ổn định đất đai. Nhưng điều này lại tạo cơ hội cho các địa điểm trung gian như cảng Sài Gòn nhằm tham gia vào chuỗi giá trị hàng hải quốc tế. Nếu TP không kết nối được sông với biển thì sẽ tiếp tục chậm nhịp phát triển, lỡ nhiều thời cơ", bà Thục phân tích.

Nhìn lại lịch sử, Sài Gòn từ thế kỷ 17 - 20 đã biến đổi từ một địa danh không tên tuổi trở thành một đô thị sông nước, một cảng thị, dẫn đầu về giao thương quốc gia và quốc tế. Kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, nối với kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) từng là "con đường lúa gạo" từ miền Tây lên các nhà máy xay xát ở Chợ Lớn, sau đó đến bến cảng Khánh Hội để xuất đi khắp thế giới.

Dọc theo con kênh này, người Pháp đã xây con đường hiện đại có tuyến xe trạm đầu tiên nối Sài Gòn - Chợ Lớn. Thập niên 1920 - 1930, ở khu vực Cầu Mống, Cầu Quay hình thành rõ nét khu phố tài chính - ngân hàng mà biểu tượng là trụ sở quyền uy - Ngân hàng Đông Dương, nay là Ngân hàng Nhà nước. Các chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối là đầu mối nông sản, nối với phố người Hoa (Calmette, Phó Đức Chính...), người Ấn (Tôn Thất Đạm, Pasteur...).

Kết nối cả Chợ Lớn cũ và Chợ Lớn mới xứng đáng là một "đặc khu di sản" bao gồm nhiều dấu tích Hoa, Việt, Khmer về cả thương mại, văn hóa, tôn giáo... Thực tế, lịch sử của những dòng kênh giữa lòng đô thị, đặc biệt là 2 tuyến lớn gồm Bến Nghé - Tàu Hủ (khoảng 22 km) và Nhiêu Lộc - Thị Nghè (khoảng 10 km) vẫn được giữ nguyên giá trị từ đầu thế kỷ 20 đến nay.

Lịch sử phát triển của nhân loại cũng đã chứng kiến những đột phá phát triển mang tầm quốc tế hầu hết đều xuất phát từ những quốc gia biển, như: Ý, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... Đến nay, các nước trên thế giới, kể cả các nước có biển và không có biển, đã dịch chuyển địa chiến lược, từ phát triển dựa vào không gian đất liền tiến ra dựa vào không gian biển. Nhiều nước đã hoạch định chiến lược kinh tế biển hướng tới mở rộng giới hạn, vượt ra ngoài lãnh hải của mình nhằm hoạch định kiểm soát biển và đại dương. Trong thế kỷ 21, kinh tế biển thực sự trở thành nội dung quan trọng hàng đầu trong chiến lược biển của các quốc gia.

"Lúc này, các quy hoạch, chiến lược hành động, hay lộ trình phát triển cần được xây dựng cho vùng TP.HCM, không bó hẹp trong phạm vi ranh giới hành chính của TP. Từ quá trình phát triển, từng bước tiếp theo có thể thu hút dân số trong nước và nước ngoài để có chân trong hệ thống TP biển quốc tế, là một điểm trên con đường thương mại liên đại dương. Từ đó mới có cơ hội nghĩ tới phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, khoa học, công nghệ, văn hóa trên trường quốc tế.

Mục tiêu cần đặt ra là vùng TP.HCM phải là một hệ sinh thái kinh tế cộng sinh bền vững dựa trên các vòng kinh tế tuần hoàn có hiệu quả kinh tế cao và không phát thải. Đây là cơ sở để TP.HCM trở thành một điểm sáng trong hệ thống mạng lưới đô thị biển quốc tế kết nối trên hải trình liên đại dương. Theo phương thức phát triển như vậy, TP. HCM sẽ sớm lấy lại tên gọi "Hòn ngọc Viễn Đông", PGS-TS Nguyễn Hồng Thục kỳ vọng.

Cần đặt trong quy hoạch toàn vùng

Đồng tình với PGS-TS Nguyễn Hồng Thục, đơn vị tư vấn Roland Berger cũng đánh giá phạm vi nghiên cứu hiện tại của hành lang theo báo cáo là 80 km lưu vực sông Sài Gòn (điểm đầu từ khu vực Củ Chi đến điểm cuối Mũi Đèn Đỏ tại Cần Giờ) với phạm vi ảnh hưởng 500 m tính từ bờ sông. Tuy nhiên, cần đặt hành lang sông Sài Gòn trong mối liên kết vùng giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ. Vì thế đơn vị tư vấn đề nghị bổ sung đánh giá về tính phù hợp của quy hoạch sông Sài Gòn trong tổng thể hệ thống sông Đồng Nai và các luồng lạch tại khu vực hạ lưu như luồng Soài Rạp (trong mối liên kết giữa TP với Long An, Tiền Giang) và luồng Thị Vải (trong mối liên kết giữa TP với Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai).

"Đối với phần phân tích về hiện trạng của hành lang sông Sài Gòn, cần có các đánh giá chi tiết hơn về điều kiện tự nhiên và các đề án quy hoạch đã được phê duyệt về hạ tầng (bến thủy nội địa, công viên…) và các dự án đầu tư có liên quan hiện hữu tại khu vực này. Ngoài ra, báo cáo đã đưa ra một số mô hình, định hướng phát triển liên quan đến thương mại, giải trí và du lịch sông nước tại phần đề xuất chiến lược KT-XH. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về cơ sở đề xuất về kinh tế, kỹ thuật, các trụ cột và yếu tố hỗ trợ để xây dựng Khu du lịch quốc gia ven sông Sài Gòn theo đề xuất của quy hoạch TP", các chuyên gia góp ý.

Trước đó, tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương đề xuất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, kết nối khu vực Đông Nam bộ trên quan điểm chung rằng, quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng nhằm khai thác tiềm lực về kinh tế ven sông, cảng, du lịch, giao thông thủy, bảo vệ môi trường, sinh thái, an ninh nguồn nước của các địa phương. Nghiên cứu quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn cần kết nối đồng bộ, toàn diện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cầu vượt sông, đường, bến thủy nội địa, cảng hàng hóa...) với tỉnh Bình Dương và các tỉnh ở thượng nguồn. Mục tiêu là hình thành trục đường ven sông Sài Gòn kết nối giữa các tỉnh Đông Nam bộ.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng cũng nhận định quy hoạch ven sông Sài Gòn phải dựa trên cả lưu vực con sông, hình dung đầy đủ địa thế và tích hợp không chỉ xây dựng mà còn cả kinh tế, giao thông, văn hóa, lịch sử… Trên thế giới, những quốc gia nào nằm kế biển sẽ phát triển rất nhanh nhờ giao thương đường biển. TP.HCM mặc dù nằm phía trong nhưng lại có lợi thế sông Sài Gòn chạy theo hướng Cần Giờ ra biển. Bên cạnh đó, sông Sài Gòn không chỉ chảy qua TP.HCM mà còn đi qua sông Bé (Bình Dương), sông Đồng Nai… Do đó cảnh quan đôi bờ cần phải được thiết kế, quy hoạch trên bức tranh tổng thể từ thượng nguồn tới hạ nguồn, trên nguyên tắc là có 2 đường song hành 2 bên bờ sông vừa phục vụ đi bộ, vừa có đường cho phương tiện cơ giới di chuyển, ở giữa là công viên. Lộ giới bờ sông quy định linh hoạt, dao động từ nơi ít nhất là 50 m cho tới nơi

200 m sẽ quyết định giải tỏa như thế nào, những khu vực nào đầu tư cái gì… Dọc sông Sài Gòn không chỉ có công viên, văn hóa, lịch sử mà phải bao gồm cả vấn đề kinh tế biển, kết nối giao thông đường thủy với đường bộ, đường sắt, metro…

"Quan trọng nhất, đề án khi đã được cấp lãnh đạo cao nhất phê duyệt thì phải trở thành pháp luật, có bản quyền tác giả, không thay đổi, không điều chỉnh. Có như vậy, doanh nghiệp với người dân mới tin tưởng đầu tư, cùng chung tay đột phá kinh tế TP từ tiềm năng sông Sài Gòn", KTS Nguyễn Ngọc Dũng lưu ý.

"Chúng tôi nhận định sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình. Quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn thực sự phải là điểm nhấn, trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, nhằm đạt được tầm nhìn phát triển của TP. Đánh giá đúng tầm quan trọng của dòng sông với sự phát triển của TP chính là một trong những chìa khóa mở ra các cơ hội phát triển cho TP trong 30 năm tới".

Chuyên gia AVSE Global

Chủ trương kết nối sông Sài Gòn với sông Đồng Nai, kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận là định hướng vô cùng đúng đắn. Nếu hình thành được tuyến đường này, TP.HCM sẽ có thêm con đường thứ 3 kết nối từ nội thành về phía tây bắc, xóa thế độc đạo cho QL22 đang quá tải. Khi đó, QL22 từ ngã tư An Sương, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài bắt đầu từ Vành đai 3 (địa phận H.Hóc Môn) và đường ven sông từ chân cầu Sài Gòn sẽ trở thành 3 tuyến đường xuyên tâm kết nối TP.HCM với Tây Ninh. Khi đã về tới khu vực Q.Bình Thạnh tại ngã ba sông Vàm Thuật thì tại Q.12 (TP.HCM), tuyến ven sông còn đảm nhận chức năng như đường đô thị, hoàn thành tốt việc kết nối giao thông cả liên vùng và nội đô.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.