Trong 3 đợt dịch Covid-19 (đợt 1, 2, 3) từ đầu năm 2020, địa bàn TP.HCM có chưa tới 200 ca Covid-19, đa phần là ca nhập cảnh.
Căn cứ theo số liệu của bản đồ Covid-19 do Sở TT-TT TP.HCM cập nhật, riêng đợt dịch thứ 4 từ 27.4 đến 29.8 (tròn 4 tháng), ghi nhận có 209.921 ca nhiễm.
Diễn tiến ca nhiễm của đợt dịch 4
Trong đợt dịch 4, ca đầu tiên ghi nhận tại TP.HCM vào ngày 29.4; đến ngày 10.6 (khoảng 40 ngày) ghi nhận tổng cộng 562 ca; đến 30.6 (khoảng 60 ngày) ghi nhận tổng cộng 3.818 ca; đến 20.7 (khoảng 80 ngày) ghi nhận tổng cộng 37.787 ca; đến 20.8 (khoảng 110 ngày) ghi nhận tổng cộng 129.751 ca; đến 29.8 (khoảng 120 ngày), ghi nhận tổng cộng có 209.921 ca nhiễm.
Tính trong khoảng thời gian tháng, thì trong tháng 6.2021 ngày 25.6 có ca nhiễm cao nhất với 704 ca (thấp nhất là ngày 1.6 với 19 ca). Trong tháng 7, ngày 27.7 cao nhất với 6.318 (thấp nhất là ngày 2.7, với 419 ca). Trong tháng 8, ngày 28.8 cao nhất với 5.481 ca nhiễm (thấp nhất là ngày 4.8, với 3.300 ca).
Tính bình quân tổng ca nhiễm (209.921 ca nhiễm) của đợt dịch 4, thì mỗi ngày TP.HCM ghi nhận khoảng 1.749 ca.
Từ 27.4 đến 23.8 (mốc thời gian siết chặt giãn cách xã hội), ngày có số ca nhiễm cao nhất là ngày 27.7, với có 6.318 ca.
|
Ngày 29.8, theo thông tin mà Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM công bố, trong 7 ngày tăng cường giãn cách (từ ngày 23 - 29.8), TP.HCM xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với vùng đỏ và vùng vàng (vùng nguy cơ cao về Covid-19), tổng cộng 1.677.154 mẫu, phát hiện 64.299 mẫu dương tính, chiếm 3,8% số mẫu xét nghiệm (bình quân khoảng 9.185 mẫu dương tính/ngày).
Song, cũng trong 7 ngày tăng cường giãn cách (từ ngày 23 - 29.8), dữ liệu công bố số ca nhiễm dao động chỉ từ hơn 4.200 đến hơn 5.400 ca nhiễm/ngày.
Cho đến thời điểm này, chưa có số liệu hay phát ngôn chính thức từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM về đỉnh dịch Covid-19 tại TP.HCM.
Trước đó, vào đầu tháng 7.2021, có 2 báo cáo của 2 nhóm nghiên cứu độc lập (báo cáo Chủ tịch UBND TP.HCM) tổng hợp các phân tích, đánh giá, dự báo và giải pháp đối với dịch Covid-19 tại TP.HCM. Cả 2 nhóm nghiên cứu đều đánh giá dịch Covid-19 ở TP.HCM đạt đỉnh trong đầu tháng 7 và bắt đầu chu kỳ đi xuống; nếu thực hiện tốt việc giãn cách theo Chỉ thị 10 (ngày 19.7 của Chủ tịch UBND TP.HCM), sẽ giúp kiểm soát dịch hoàn toàn vào cuối tháng 8 và dịch không bùng phát trở lại.
Tuy nhiên, nếu căn cứ tình hình dịch trên thực tế, thông qua số ca mới phát hiện từ xét nghiệm sàng lọc, có thể thấy dự báo trên đã “không khớp” với tình hình dịch tại TP.HCM.
Cần bao phủ vắc xin ngừa Covid-19
Theo chuyên gia dịch tễ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM (nay là Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC), TP.HCM đã đạt đỉnh dịch từ cuối tháng 7, đầu tháng 8.2021, thời điểm cao nhất là 6.318 ca (vào ngày 27.7) và hiện nay đã qua đỉnh dịch và đang đi ngang. Nếu nới giãn cách thì dịch bệnh sẽ lên trở lại.
“Giãn cách là góp phần cho đỉnh dịch kéo xuống, nói như vậy có nghĩa là thành phố đã qua đỉnh dịch là nhờ giãn cách chứ không phải bản thân dịch bệnh đi xuống, nếu để tự nhiên dịch sẽ tăng lên 10.000 - 15.000 ca/ngày”, ông Thọ nói.
|
Về giải pháp, theo ông Thọ, để kéo giảm dịch bệnh thì vẫn tiếp tục giãn cách nhưng mức độ sẽ khác. “Điều kiện để giảm giãn cách là tiêm vắc xin Covid-19. 80% dân số tiêm mũi 1, ít nhất 20% tiêm đủ 2 mũi. 70% dân số từ 60 tuổi trở lên và người có nguy cơ phải tiêm đủ 2 mũi. Như vậy mới trở về giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay cả Anh, Mỹ, Canada họ cũng mất 6 tháng”, ông Thọ nói.
“Kiểm soát được dịch là giữ con số nhất định chứ không phải không có ca bệnh. Nên cần mất một thời gian nữa, và song song đó là tiêm được vắc xin. Thành phố tận dụng thời gian vàng 15 ngày giãn cách nữa để tiêm mũi 2 nhằm ngăn nguy cơ trở lại đỉnh dịch, giảm quá tải y tế, giảm tử vong”, ông Thọ nói thêm.
Chuyên gia này cũng cảnh báo nếu tiêm vắc xin chưa bao phủ được thì sau ngày 15.9, TP.HCM có thể sẽ phải tiếp tục thực hiện giãn cách tăng cường hoặc áp dụng Chỉ thị 16 ở một số vùng.
Đồng quan điểm, theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm Trương Hữu Khanh, khi phong tỏa thì dịch bệnh sẽ đi ngang, nếu không có vắc xin thì dịch sẽ đi lên lại, cho đến khi có vắc xin đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Nếu chưa tiêm đủ thì sẽ phải phong tỏa. Nhưng cần tiêm phủ hết người trên 60 tuổi, người có nguy cơ…
Sẽ vẽ lại bản đồ Covid-19 sau đợt xét nghiệm sàng lọcTính đến ngày 30.8, TP.HCM đã tiêm hơn 6,1 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân. Trong đó, có gần 5,8 triệu người đã tiêm mũi 1 và hơn 332.000 người đã tiêm mũi 2. Theo tính toán, TP.HCM cần tiêm vắc xin cho khoảng 7 triệu người.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, từ ngày 23.8, TP đã đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát F0 trong cộng đồng để bóc tách, sàng lọc F0 đưa vào quản lý, điều trị.
“Sau đợt này, đến đầu tháng 9 sẽ quét kiểm tra xong và sẽ vẽ lại bản đồ chống dịch Covid-19 mới, xem chỗ nào là vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng và vùng xanh. Sau đó, vùng đỏ sẽ quét F0 mỗi 2 ngày 1 lần”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.
|
Bình luận (0)