TP.HCM đảm bảo nguồn nước sạch cho 10 triệu dân

Kiến Nghĩa
Kiến Nghĩa
08/04/2024 01:08 GMT+7

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết hiện nay nguồn nước sạch đảm bảo đáp ứng cho 10 triệu dân TP.HCM, với tổng công suất 2,4 triệu mét khối/ngày đêm của toàn hệ thống.

Sáng 7.4, HĐND TP.HCM phối hợp Sở TT - TT và Đài truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" chủ đề về quản lý hoạt động cấp, thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt.

Nguồn nước thô bị ô nhiễm, nhiễm mặn

Về vấn đề đảm bảo nguồn nước sạch, ông Nguyễn Thanh Sử, Phó tổng giám đốc SAWACO cho biết, hiện nay nguồn nước thô (97%) khai thác trực tiếp từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai bị ô nhiễm, nhiễm mặn và biến đổi khí hậu.

Trước tình hình này, SAWACO đã thường xuyên kiểm định nguồn nước thô, tại nhà máy có bộ phận giám sát liên tục ở phòng thí nghiệm và ở khâu xử lý nước để theo dõi, xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Đồng thời, tăng cường phối hợp với 2 đơn vị hồ thủy điện Trị An (Đồng Nai) với hồ thủy lợi Dầu Tiếng (Bình Dương) để khi gặp sự cố thì có quy trình để xử lý, ứng phó kịp thời. Cụ thể, khi phát hiện nhiễm mặn thì 2 hồ sẽ xả nước chứa ra để đẩy nguồn nước nhiễm mặn.

Về lâu dài, SAWACO đã trình UBND TP.HCM và Sở Xây dựng lấy điểm chứa nước đầu nguồn của sông Sài Gòn và xây dự trữ hồ chứa nước.

TP.HCM đảm bảo nguồn nước sạch cho 10 triệu dân - Ảnh 1.

Hiện nay, nguồn nước sạch đảm bảo đáp ứng cho 10 triệu dân TP.HCM

TRUNG DUNG

Ông Sử cho hay, với tốc độ phát triển dân số, hiện nguồn nước sạch đảm bảo đáp ứng cho 10 triệu dân TP.HCM, với tổng công suất 2,4 triệu mét khối/ngày đêm của toàn hệ thống.

Trong tương lai, dự báo dân số tăng lên thì SAWACO đã chủ động xây dựng đề án 203, phát triển hệ thống cấp nước TP.HCM, giai đoạn 2020 - 2050. Trong đó, nâng công suất các nhà máy lên 2,9 triệu mét khối/ngày đêm, đến năm 2030 là 3,6 triệu, năm 2050 6,1 triệu mét khối/ngày đêm nhằm đảm bảo đủ cung cấp nước.

Để đáp ứng đủ nguồn nước, SAWACO đã chủ động đầu tư nâng cấp, xây mới 2 nhà máy nước Kênh Đông 2 (công suất 250.000 mét khối/ngày đêm) và Thủ Đức 4 (công suất 300.000 mét khối/ngày đêm). Song song đó, SAWACO đã trình UBND TP.HCM và Sở Xây dựng xin cải tạo 45 trạm cấp nước giếng để làm nguồn nước dự phòng cho TP.HCM.

Sợ phát tán tiếng ồn và mùi hôi từ nhà máy xử lý chất thải

Cử tri Nguyễn Văn Hoàng (ngụ P.Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức) nêu ý kiến hiện nay có nhiều nhà máy xử lý chất thải khi hoạt động sẽ phát tán mùi hôi và tiếng ồn, về lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Vừa qua, có nhiều người dân tại P.Tân Thới Nhất, Q.12 không đồng tình xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại khu vực này, lo ảnh hưởng môi trường. Cử tri Hoàng đặt vấn đề, liệu có cần thiết xây dựng không, nếu đưa vào hoạt động có ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân không.

Trả lời, ông Nguyễn Viết Vũ, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biển đảo, Sở TN-MT TP.HCM thông tin hiện nay có 4 nhóm phát sinh nước thải: nhóm bệnh viện và khu chế xuất, khu công nghiệp được xử lý đạt chuẩn 100%. Nhóm các doanh nghiệp có khoảng 4.200/4.300 doanh nghiệp đã xử lý nước thải đạt 97%.

Còn lại, là từ người dân, cơ quan, hộ kinh doanh đã thu gom xử lý được 40%, 60% còn lại cần phải thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Như vậy, rất cần thiết xây dựng công trình nhà máy xử lý nước thải.

TP.HCM đảm bảo nguồn nước sạch cho 10 triệu dân - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Viết Vũ phát biểu tại chương trình

CHỤP MÀN HÌNH

Hiện nay, ngành TN-MT và Bộ Xây dựng đã ban hành những tiêu chuẩn, quy chuẩn rất cụ thể đối với việc xây dựng trạm, hệ thống xử lý nước thải tập trung. Cụ thể, về vị trí đặt trạm, trạm phải được đặt cuối hướng gió, cuối dòng chảy để đảm bảo nước thải phải được thu gom, xử lý toàn bộ, hạn chế phát sinh mùi hôi ra ngoài.

Tiêu chuẩn cũng quy định chi tiết là từng công trình bên trong hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu, diện tích cây xanh cách ly...

“Nếu tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế hệ thống xử lý nước thải và tuân thủ việc vận hành xử lý nước thải đúng quy chuẩn thì tôi rằng việc đảm bảo sức khỏe người dân là nằm trong tầm tay”, ông Vũ nói.

Thay mặt lãnh đạo Q.12, ông Nguyễn Minh Chánh, Phó chủ tịch UBND Q.12 cho biết các hệ thống xử lý nước thải này rất cần thiết và phải xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, khi vận hành sẽ không ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng người dân.

Ông Chánh cho biết Q.12 đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân để thông tin đầy đủ đến người dân hiểu về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Khi xây dựng sẽ đánh giá tác động môi trường, khi vận hành sẽ có hệ thống quan trắc để đảm bảo môi trường cho người dân.

Để phản ánh những bất cập về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật nói chung, cũng như lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải, người dân có thể liên hệ qua tổng đài đường dây nóng 1022 hoặc 0283824 9000.

Về quy trình xử lý, đã được UBND TP.HCM ban hành quyết định 4874 về quy chế tiếp nhận xử lý, phản hồi thông tin những bất cập do các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn TP.HCM phản ánh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.