TP.HCM đẩy mạnh xây dựng Thành phố điện ảnh

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
26/09/2024 06:00 GMT+7

Cùng Bộ VH-TT-DL sang Mỹ xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại San Francisco và Los Angeles với chủ đề Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới, đoàn công tác của TP.HCM đã có nhiều chương trình cụ thể từ ngày 21 - 28.9 hướng tới mục tiêu xây dựng Thành phố điện ảnh, hòa vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO.

Quảng bá tiềm năng điện ảnh của TP.HCM để thu hút quốc tế

Đoàn công tác TP.HCM tham gia chuyến sang Mỹ xúc tiến du lịch - điện ảnh gồm có: bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, diễn viên Quyền Linh - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đạo diễn Vũ Thành Vinh - CEO Công ty truyền thông Khang và các cá nhân hậu cần tổ chức gian hàng trưng bày, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá du lịch - điện ảnh TP.HCM.

TP.HCM đẩy mạnh xây dựng Thành phố điện ảnh- Ảnh 1.

Bà Thanh Thúy (thứ 3 từ phải sang) và các thành viên đoàn TP.HCM trong chuyến công tác tại Mỹ

Ảnh: BTC CUNG CẤP

Phó giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết: "Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh VN tại Mỹ là hoạt động quan trọng của Bộ VH-TT-DL với mục tiêu giới thiệu tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam. TP.HCM tham gia đồng hành cùng Bộ VH-TT-DL trong sự kiện lần này với mong muốn đóng góp tích cực cho những mục tiêu quan trọng của quốc gia; đồng thời triển khai những nội dung của kế hoạch thực hiện Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đã đề ra. Chuyến đi mở ra những cơ hội, điều kiện thuận lợi cho ngành văn hóa, du lịch tiếp cận các tổ chức, doanh nghiệp lớn của Mỹ, qua đó góp phần trao đổi, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của TP.HCM; đồng thời tìm hiểu, kết nối để xây dựng những chương trình hợp tác giữa TP.HCM và các địa phương, doanh nghiệp Mỹ trong tương lai. Lĩnh vực công nghiệp văn hóa của TP.HCM cần nhiều nguồn lực đầu tư lớn để phát triển mạnh mẽ".

Ngoài các buổi làm việc chung với Bộ VH-TT-DL nhằm giới thiệu thiên nhiên, phong cảnh, lịch sử, văn hóa, di sản UNESCO, con người Việt Nam, điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch, tiềm năng bối cảnh điện ảnh… đến các đối tác Mỹ, nội dung làm việc của Sở VH-TT, Sở Du lịch TP.HCM còn có những kế hoạch riêng. Với cuộc gặp gỡ 2 nhà sản xuất là ông Nicolas Simon - CEO của Indochina Productions và ông Justin Booth - nhà sản xuất điều hành của show The Challenge chiếu trên kênh MTV có quay bối cảnh Việt Nam đang thu hút khán giả tại Mỹ, đoàn công tác của TP.HCM trao đổi về tiềm năng, thuận lợi của bối cảnh làm phim ở TP để thu hút các nhà làm phim thế giới; cơ chế, chính sách thu hút nhà làm phim của chính quyền TP như đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ các giải pháp đảm bảo an ninh; giới thiệu các danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa… đến với nhà làm phim.

Ngoài ra, TP.HCM mong muốn được nghe chia sẻ kinh nghiệm của những nhà phát hành toàn cầu về định hướng phát triển cho doanh nghiệp Việt trong xây dựng nền công nghiệp sáng tạo nội dung số ở TP; kết nối cho hợp tác giữa TP và một số tổ chức lớn của Mỹ về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện ảnh và sáng tạo nội dung số trong tương lai. Bên cạnh đó sẽ có thêm cuộc gặp gỡ với đạo diễn Steven K. Tsuchid của phim A Tourist's Guide to Love từng gây sốt khán giả toàn cầu trên Netflix vào năm 2023 khi có nhiều cảnh quay tại TP.HCM, Hội An, Hà Nội, Hà Giang để xây dựng cẩm nang giới thiệu địa điểm làm phim tại TP.HCM.

Cơ chế, chính sách cởi mở để phát triển điện ảnh

Trong chuyến đi sang Mỹ này, TP.HCM đã cung cấp cho các đối tác nhiều thông tin về cơ chế, chính sách phát triển điện ảnh.

TP.HCM đẩy mạnh xây dựng Thành phố điện ảnh- Ảnh 2.

Ngôi sao Averey Tressler trong Phần 40 của chương trình thực tế The Challenge: Battle of the Eras với bối cảnh quay hình tại Việt Nam

ẢNH: T.L

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nói: "TP.HCM đang có các cơ chế chính sách hướng tới một môi trường tốt nhất để phát triển điện ảnh. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất phim bao gồm hỗ trợ kinh phí cho các dự án có giá trị nghệ thuật cao, quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương và cũng đang hình thành quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật trong việc tài trợ các dự án mới. TP.HCM đã và đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ ngành điện ảnh, bao gồm quy hoạch, đầu tư xây dựng phim trường, rạp chiếu phim hiện đại, các khu vực làm phim chuyên dụng (film studio). Điều này giúp ngành điện ảnh TP.HCM có nền tảng vững chắc để phát triển. TP.HCM khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là việc thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến quay phim, qua đó không chỉ tạo điều kiện phát triển ngành mà còn quảng bá hình ảnh đất nước".

Hiện tại, TP.HCM đang có một số đề án, chương trình hành động cụ thể để phát triển điện ảnh, như đề án "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020 - 2035", đề án "Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030", đề án "Nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2035" xây dựng trên cơ sở quan điểm khuyến khích các nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển lĩnh vực nghệ thuật, trong đó ngành điện ảnh đóng vai trò quan trọng.

TP.HCM đẩy mạnh xây dựng Thành phố điện ảnh- Ảnh 3.

Phim Mỹ A Tourist’s Guide to Love quay hình tại TP.HCM năm 2023

Ảnh: ĐPCC

TP.HCM cũng đang xây dựng "Quy chế phối hợp quản lý quay phim ngoại cảnh tại TP.HCM" và khi ban hành sẽ tạo nên một bước đột phá trong công tác phối hợp quản lý hoạt động quay phim ngoại cảnh, tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở điện ảnh trong quá trình sản xuất phim.

Lãnh đạo Sở VH-TT TP.HCM chia sẻ thêm: "Tại TP.HCM, điện ảnh được xem là mũi nhọn trong 8 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Nơi đây được xem là thị trường lớn về sản xuất và phát hành phim của cả nước với số lượng nhà làm phim hùng hậu và số lượng phim lớn nhất Việt Nam. Năm 2023, VN có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ 2 Đông Nam Á, trong đó TP.HCM là nơi có lượng khán giả đến rạp đông nhất cả nước, với 56 cụm rạp, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh của cả nước. Số lượng doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại đây là hơn 800 doanh nghiệp. Hiện TP.HCM có hơn 100 đơn vị, cơ sở đăng ký sản xuất và phát hành phim. Tất cả những tiềm lực đó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển vượt bậc ở lĩnh vực nghệ thuật nói chung và cho ngành điện ảnh TP.HCM nói riêng". 

Năm 2023, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn TP.HCM. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị TP.HCM nhanh chóng xây dựng đề án Thành phố sáng tạo để hòa vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) với định hướng TP.HCM trở thành "Thành phố điện ảnh", bên cạnh Hà Nội đã trở thành "Thành phố thiết kế sáng tạo" vào năm 2019, Đà Lạt là "Thành phố sáng tạo âm nhạc" và Hội An là "Thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian" (cùng được công nhận vào năm 2023).

Theo định nghĩa của UNESCO, một "Thành phố điện ảnh" (Film City) là một thành phố được công nhận trong mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO vì có những đóng góp nổi bật trong ngành công nghiệp điện ảnh, cả về mặt sáng tạo và sản xuất. Thành phố này phải thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy điện ảnh không chỉ như một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một phương tiện quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và đáp ứng các tiêu chí cụ thể mà UNESCO đề ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.