Ngày 5.11, nguồn tin của Thanh Niên cho biết, UBND TP.HCM vừa báo cáo Thường trực Thành ủy TP.HCM tổng kết Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2026 - 2030.
Tính từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM có chiều hướng giảm, từ 33% vào năm 2000 xuống còn 23% giai đoạn 2011 - 2016, giảm tiếp còn 18% giai đoạn 2017 - 2021, đến giai đoạn 2022 - 2025 tăng lên 21%.
TP.HCM đề xuất giữ lại ít nhất 21% ngân sách từ năm 2026
Từ năm 2020 đến nay, TP.HCM có nhiều tờ trình gửi Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng xin tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách ít nhất 23% trở lên nhưng chỉ được chấp nhận mức 21%.
Đến cuối năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách TP.HCM theo mức hiện nay (21%) đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo.
Việc này nhằm tạo điều kiện để TP.HCM có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nêu một số nhiệm vụ trong công tác điều hành ngân sách, UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các nguồn thu; đồng thời triển khai các giải pháp tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.
Trong đó, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm.
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính xây dựng đề án "Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và chủ động của ngân sách địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan".
UBND TP.HCM cho biết với vai trò là thành viên tham gia Tổ Biên tập xây dựng đề án, TP.HCM sẽ tiếp tục tham gia góp ý, lồng ghép nội dung đề xuất giữ tỷ lệ điều tiết ngân sách theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo.
Con hẻm ở TP.HCM 'thay áo' khang trang sau khi người dân tự nguyện hiến đất
TP.HCM thu ngân sách hơn 408.000 tỉ đồng
Theo luật Ngân sách nhà nước 2015 và Nghị định 163/2016 của Chính phủ, nguồn thu ngân sách nhà nước có 3 nhóm. Nhóm thu hộ cho trung ương gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, hoạt động khai thác dầu khí...
Nhóm thu ngân sách địa phương hưởng 100% gồm: lệ phí môn bài, trước bạ, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, thuê mặt nước, xổ số kiến thiết...
Nhóm các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách trung ương và địa phương gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.
Cục Thống kê TP.HCM ước tính tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2024 của TP.HCM ước thực hiện hơn 408.400 tỉ đồng, đạt 85% dự toán và tăng 10% so với cùng kỳ.
Bình luận (0)