TP.HCM đề xuất giữ lại toàn bộ ngân sách thu vượt để làm metro

14/10/2024 04:11 GMT+7

UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Tài chính đánh giá tác động nợ công của các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn.

Theo tính toán của UBND TP.HCM, nhu cầu vốn thực hiện đề án đường sắt đô thị đến năm 2035 là khoảng 37,45 tỉ USD nhằm hoàn thiện 6 tuyến với tổng chiều dài 183 km. Cụ thể, giai đoạn 2026 - 2030 cần khoảng 22,3 tỉ USD, trong đó ngân sách địa phương 7,18 tỉ USD, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương 6,88 tỉ USD, vốn T.Ư hỗ trợ 6,48 tỉ USD và vốn BT trả chậm 1,76 tỉ USD. Còn giai đoạn 2030 - 2035 cần 15,15 tỉ USD, gồm ngân sách địa phương 9,54 tỉ USD, vốn T.Ư hỗ trợ 3,19 tỉ USD và vốn BT trả chậm 2,41 tỉ USD.

Metro số 1 TP.HCM sẽ vận hành vào tháng 12.2024

Trong dự thảo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030 vào khoảng 62,59 tỉ USD, bao gồm nhu cầu vốn làm đường sắt đô thị hơn 21,75 tỉ USD, chiếm gần 35%.

UBND TP.HCM đánh giá số vốn làm đường sắt đô thị rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương. Do đó, khi thống kê về tỷ trọng vốn đầu tư công phân bổ theo từng lĩnh vực thì vốn cho ngành giao thông đường sắt sẽ tăng cao đột biến, không phản ánh được tổng thể việc cân đối hài hòa cho các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, môi trường, khoa học - công nghệ.

TP.HCM đề xuất giữ lại toàn bộ ngân sách thu vượt để làm metro- Ảnh 1.

TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 183 km đường sắt đô thị vào năm 2035

ẢNH: ĐỘC LẬP

Từ đó, để đánh giá đúng hiệu quả đề án đường sắt đô thị, UBND TP.HCM cho rằng cần có cơ chế đánh giá riêng, không tính vào chỉ tiêu đánh giá chung về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Thực tế nhu cầu vốn của TP.HCM hiện rất lớn, nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp không thể đáp ứng nên cần phải huy động bổ sung qua nhiều hình thức khác, trong đó có huy động từ nguồn vốn vay. Do đó, địa phương đề xuất tổng mức vay và bội chi ngân sách hằng năm cần được Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh để đảm bảo đủ nhu cầu nguồn vốn vay hằng năm của TP.HCM trong giai đoạn tới.

Phân tích về tính khả thi huy động vốn, UBND TP.HCM cho biết hiện các khoản tăng thu ngân sách được phân chia theo tỷ lệ điều tiết ngân sách (T.Ư 79%, TP.HCM 21%). Phần tăng thu của T.Ư sẽ điều tiết về ngân sách T.Ư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thưởng vượt dự toán theo luật Ngân sách nhà nước. Để đáp ứng nhu cầu vốn làm đường sắt đô thị, TP.HCM đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách T.Ư được hưởng để thực hiện đề án. Việc này vẫn đảm bảo phần thu 79% của ngân sách T.Ư theo dự toán thu được Quốc hội giao.

Trong đề án, TP.HCM cũng dự kiến thu về khoảng 6,5 tỉ USD từ đấu giá các khu đất xung quanh nhà ga thuộc các tuyến metro số 1, 2, 3, 4, 5. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách T.Ư hỗ trợ có mục tiêu, TP.HCM dự kiến sử dụng từ 10 - 40%/năm trong nguồn vốn đầu tư công hằng năm để ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đồng thời phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Việc thực hiện đề án này không ảnh hưởng đến nguồn cải cách tiền lương của địa phương, bởi theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, TP.HCM phải bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, phần còn dư mới bố trí chi đầu tư phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.