TPHCM đề xuất làm hơn 500 km metro, tổng vốn đầu tư gần 50 tỉ USD

10/04/2024 16:16 GMT+7

Đề xuất được nêu ra tại cuộc họp trao đổi các nội dung liên quan Đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, do Sở GTVT TP.HCM chủ trì chiều nay (10.4).

TP.HCM đang xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị

TP.HCM đang xây dựng đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị

ĐỘC LẬP

Tại cuộc hợp, đơn vị tư vấn đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng chiều dài đường sắt đô thị của TP.HCM theo quy hoạch từ 220 km hiện nay lên khoảng 511 km, chia thành 10 tuyến, gồm 384 nhà ga. Trong đó có 1 tuyến vành đai và 8 tuyến xuyên tâm, đầu tư trong giai đoạn từ nay đến 2045.

Theo đề xuất này, tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) hiện sắp hoàn thiện 19,7 km được định hướng nhập cùng 1 phần tuyến 3a, kéo dài tới depot An Hạ (H.Bình Chánh) sát với tỉnh Long An, tạo thành trục đường sắt liên tục chạy từ phía đông sang tây. Khi đó, tuyến metro số 1 sẽ dài tới 40,8 km, đi qua 14 nhà ga và 2 depot; tuyến metro số 2 kéo tổng chiều dài lên 65,82 km.

Về phương án đầu tư, đơn vị tư vấn đưa ra 3 phương án. Cụ thể, phương án 1 là đầu tư toàn mạng hệ thống đường sắt đô thị tổng chiều dài khoảng 511 km và 384 ga, đầu tư các tuyến xuyên tâm trước. Sơ bộ tổng mức đầu tư gần 50 tỉ USD.

TPHCM đề xuất đầu tư gần 50 tỉ USD làm hơn 500 km metro

Phương án 2: Đầu tư xây dựng toàn bộ chiều dài 6 tuyến từ tuyến 1 - tuyến 6 (5 tuyến xuyên tâm và 1 tuyến vành đai), chiều dài khoảng 303 km. Phương án này đòi hỏi nguồn vốn khoảng 25 tỉ USD.

Phương án 3 là đầu tư 6 tuyến rút gọn: làm hoàn thiện 3 tuyến 1 - 3 - 4 và đầu tư 1 phần các tuyến metro số 2, số 5, số 6, tổng chiều dài khoảng 180 km. Tổng mức vốn cần huy động là 20 tỉ USD. Đơn vị tư vấn đánh giá phương án này phù hợp với Quy hoạch 568 hiện nay, khả thi về nguồn lực của TP.HCM.

Liên quan đến quy hoạch này, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho rằng phương án 3, tương ứng lộ trình từ nay đến năm 2040 làm khoảng 250 km đường sắt đô thị là khả thi. Kế hoạch hoàn thiện hơn 500 km metro có thể kéo dài tới 2060 là phù hợp.

Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khẳng định đây là đề án rất khó, mang tính đột phá, chưa có tiền lệ trên cả nước. Dự kiến ngày 12.4 (thứ sáu tuần này), Bộ GTVT sẽ họp cùng TP.HCM và TP.Hà Nội để thống nhất về đề cương và cách làm. Mục tiêu là đến trước 18.4 phải hoàn thiện dự thảo đề án, trình đề án lên Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vào tháng 5. 

"Thời gian rất gấp rút, không kịp để thuê đơn vị tư vấn riêng. Sở đã huy động cả 4 đơn vị tư vấn hàng đầu của Việt Nam hỗ trợ các đơn vị để tiếp tục hoàn thiện dự thảo. Nội dung quan trọng nhất của đề án là phương án đầu tư phát triển. TP.HCM sẽ làm bao nhiêu km đường sắt đô thị, bao nhiêu tuyến, phát triển các trục đường từ xuyên tâm ra hay chạy từ các tuyến vành đai vào, thời gian trong bao lâu, cơ chế vốn, trình tự đầu tư... thế nào? Sau đó là công tác tổ chức xây dựng và khai thác theo mô hình nào... Đây là những nội dung phải làm rõ để khi đề án được Quốc hội bấm nút thông qua thì có thể triển khai được ngay, bắt tay vào làm ngay. Như vậy mới kịp" - ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Kết luận 49 yêu cầu TP.HCM phải hoàn thành 200 km đường sắt metro còn lại trong 12 năm tới (chuẩn bị dự án 4 - 5 năm, thực hiện dự án 7 - 8 năm). Vì thế, yêu cầu này đặt ra cho TP.HCM phải có cách tiếp cận, cách làm hoàn toàn mới, khác biệt.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.