Cụ thể, tại hội nghị trực tuyến giữa Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM với các Quận ủy, Huyện ủy, vào chiều 12.3, Bí thư Quận ủy Q.1 Trần Kim Yến đề xuất chủ trương tạm ngừng hoạt động vũ trường, karaoke, bar do đây là môi trường khá nhạy cảm, không đối lưu không khí, thuận lợi cho dịch bệnh lây lan, phát triển. Việc tạm ngừng cho đến khi hết dịch thì hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tán thành với đề xuất này bởi khả năng dịch xâm nhập vào TP rất cao, trong khi đó bar, vũ trường là nơi dễ lây lan mầm bệnh. Ngành y tế đã đề xuất các giải pháp hạn chế tập trung đông người, các hoạt động vui chơi giải trí nếu không cần thiết cũng tạm ngừng tổ chức...
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng cần phải khảo sát thực tế các địa điểm này trước khi đưa ra quyết định tạm dừng hoạt động. Ông Nhân nhận định nếu vào vũ trường mà đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ thì cũng an toàn và đề nghị ngành y tế phối hợp với ngành công thương khảo sát vấn đề này và báo cáo TP quyết định. Bí thư Thành ủy yêu cầu phải có biện pháp để vừa đảm bảo an toàn cho người dân nhưng cũng không xâm phạm đến công việc kinh doanh của các hộ dân.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu các địa phương phải nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng những trường hợp trốn cách ly, có biểu hiện nhiễm bệnh.
Dù công tác phòng chống dịch trong thời gian qua đã thực hiện tốt nhưng trong giai đoạn mới phải tăng cường hơn và đảm bảo “an toàn sức khỏe và tính mạng của nhân dân phải ưu tiên hàng đầu”.
Liên quan đến việc cách ly, theo quy định hiện hành, nhà nước chỉ hỗ trợ chi phí suất ăn cho người dân đang theo dõi sức khỏe tại khu cách ly là 57.000 đồng/ngày nhưng nhiều người có nhu cầu lớn hơn, theo ông Phong nhu cầu này là chính đáng và TP đã giao Sở Tài chính xin ý kiến HĐND TP.HCM về việc tăng chi phí hỗ trợ người dân tại các khu cách ly.
“Có những chuyện phải mang tính cấp bách để tạo điều kiện tốt nhất cho công tác phòng chống dịch và mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Y tế phải cam kết không để nhân viên y tế, lực lượng vũ trang làm công tác phòng chống dịch tại khu cách ly tập trung bị nhiễm dịch, đảm bảo không có nhân viên y tế nào làm quá 12 giờ/ngày. Sở Công thương phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thu gom, đẩy giá hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bình luận (0)