Ngày 16.9, Sở GTVT TP.HCM gửi tờ trình về Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn và dự thảo nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè.
Sở GTVT cho biết từ năm 1991, UBND TP.HCM ban hành quyết định điều chỉnh giá biểu thu lệ phí khai thác đất công, chợ, đường phố, bến bãi, cảng. Tuy nhiên, mức thu này quá thấp, chỉ 12.000 đồng/m2/tháng đối với ngành hàng dịch vụ bày bán trên đường phố nên không còn phù hợp. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM chưa quy định đầy đủ mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, mà chỉ mới ban hành mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô theo giờ. Theo Sở GTVT, việc ban hành mức phí để giúp các đơn vị, địa phương có công cụ quản lý đô thị minh bạch, hiệu quả còn người sử dụng cũng sẽ thuận lợi hơn.
TP.HCM đề xuất thu phí sử dụng vỉa hè từ tháng 1.2024, cao nhất 350.000 đồng/m2
Sở GTVT TP.HCM đề xuất áp dụng thời gian thu phí từ ngày 1.1.2024. Theo đó, có 3 trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường phải trả phí.
Thứ nhất, tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa.
Thứ hai, làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị.
Thứ ba, bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Đối với sử dụng tạm thời vỉa hè, có 5 trường hợp, gồm:
Thứ nhất, tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm trông, giữ xe phục vụ các hoạt động văn hóa.
Thứ hai, làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa.
Thứ ba, làm điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông.
Thứ tư, làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình.
Thứ năm, bố trí điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.
Riêng các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô thì áp dụng theo Nghị quyết số 01/2018 của HĐND TP.HCM về việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn.
Trong đó, khu vực 1, gồm: Q.1, Q.3, Q.4, Q.5, Q.10, Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam Thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu vực 2, gồm: Q.2 (nay thuộc TP.Thủ Đức, trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), Q.6, Q.7 (trừ khu A khu đô thị mới Nam Thành phố), Q.11, Bình Thạnh, Tân Bình và Bình Tân.
Khu vực 3, gồm: Q.8, Q.9 (nay thuộc TP.Thủ Đức), Q.12, Q.Thủ Đức (nay thuộc TP.Thủ Đức), Tân Phú và Gò Vấp.
Khu vực 4, gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Củ Chi.
Khu vực 5 là H.Cần Giờ.
Người bán hàng rong ủng hộ thu phí vỉa hè: 'Hết cảnh thấy đô thị là hốt hàng chạy'
Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát
Sau khi được HĐND TP.HCM thông qua, UBND TP.HCM phân công nhiệm vụ cho các sở ngành, quận, huyện đảm bảo thu đúng, thu đủ, công khai, minh bạch, kịp thời và đồng bộ.
Trong đó, Sở GTVT và UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
Đối với hoạt động tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua, bán hàng hóa; điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ, địa phương rà soát vỉa hè đủ điều kiện để tổ chức, xác định phạm vi, lựa chọn công bố danh mục vị trí vỉa hè được phép tổ chức các hoạt động tạm thời; xây dựng phương án tổ chức thực hiện có lộ trình phù hợp với thực tế, đặc thù đô thị của từng khu vực trên địa bàn quản lý.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Các lực lượng chức năng như Thanh tra Sở GTVT, Thanh tra xây dựng, Đội Quản lý trật tự đô thị và phường, xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp và quy trình kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm.
Bình luận (0)