Theo nhiều đại biểu, việc điều chỉnh bảng giá đất cần thận trọng khi TP.HCM là đơn vị đầu tiên công bố và nên đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng nội dung của dự thảo điều chỉnh Quyết định 02 đưa ra chưa phù hợp với tình hình thực tế, tạo áp lực tài chính lớn với người dân tại các huyện ngoại thành. Vì người dân khu vực này đang có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở cho con cái xây nhà, an cư là khá lớn.
"Năm 2024, tại H.Hóc Môn, H.Bình Chánh, các hộ gia đình, cá nhân đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở lên đến hàng trăm héc-ta. Nhiều trường hợp qua nhiều thế hệ vẫn chưa đủ tiền để chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà cửa để ở hoặc tách thửa cho con cái. Tại Q.4, tôi lấy ví dụ, giá đất trên đường Bến Vân Đồn đoạn từ cầu Dừa đến Nguyễn Tất Thành có giá đất hiện tại là từ 24 triệu đồng/m² được dự kiến điều chỉnh tăng lên 271,2 triệu đồng/m², tăng gấp 10 lần. Điều này kéo theo nghĩa vụ tài chính với đất đai của người dân cũng tăng mạnh, vượt quá khả năng của nhiều người dân", ông Hậu nói.
Mặt khác, theo ông Hậu, giá đất tăng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, nhiều người đang muốn bán thì họ sẽ không bán nữa để chờ giá tiếp tục tăng. Ngoài ra, khi giá đất tăng sẽ khiến chi phí vốn đầu vào tăng lên, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, hiệu quả của việc thực hiện dự án. Khi chi phí đầu vào quá cao sẽ "bóp nghẹt" động lực đầu tư của doanh nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ không còn động lực làm dự án.
Còn luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM đưa ý kiến, việc tăng giá đất là việc cần thiết nhưng phải thực hiện đúng luật, có lộ trình và đầy đủ các bước theo quy định. Theo bà Hòa, việc điều chỉnh này sẽ do HĐND TP.HCM quyết định để đảm bảo tính pháp lý và ý kiến của người dân.
"Luật Đất đai năm 2024 có chỉ rõ, bảng giá đất ban hành phải hài hòa lợi ích của 3 bên là nhà nước, người dân và doanh nghiệp", bà Hòa nói.
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc điều chỉnh bảng giá đất là vấn đề liên quan rất lớn về kinh tế xã hội, về an sinh xã hội của người dân. Ông Châu kiến nghị cần cẩn trọng khi thực hiện việc này, khi mà chỉ mới có TP.HCM công bố bảng giá đất mới. Đồng thời, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị cần cân nhắc kỹ các tác động của việc tăng bảng giá đất thời điểm hiện tại và chưa nên ban hành ngay mà phải có cách tính hợp lý hơn.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN - MT TP.HCM ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Từ đó, Sở sẽ tổng hợp và gửi cho UBND TP.HCM xem xét, quyết định trước khi ban hành để hài hòa lợi ích các bên.
Vấn đề và Giải pháp: Hiểu về Dự thảo bảng giá đất mới của TP.HCM
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1.8.2024 cho phép, các địa phương được áp dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31.12.2025. Sau đó, các địa phương sẽ áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1.1.2026. Bảng giá mới sẽ không bị khống chế bởi khung giá đất và buộc xây dựng tiệm cận giá thị trường.
TP.HCM là địa phương đầu tiên đưa ra lấy ý kiến về dự thảo bảng giá đất điều chỉnh. Giá trong bảng giá đất điều chỉnh tăng rất cao so với bảng giá cũ như tại TP.Thủ Đức tăng từ 10 - 15 lần; các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi tăng 10 - 20 lần. Riêng H.Hóc Môn có nhiều tuyến đường giá đất dự kiến tăng từ 15 - 30 lần.
Bình luận (0)