TP.HCM 'đòi lại vị trí số 1'

28/03/2016 06:08 GMT+7

Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM hôm qua (27.3), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng TP.HCM muốn đòi lại “vị trí số 1 trong khu vực” thì phải có nhiều giải pháp quyết liệt, đột phá.

Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM hôm qua (27.3), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng TP.HCM muốn đòi lại “vị trí số 1 trong khu vực” thì phải có nhiều giải pháp quyết liệt, đột phá.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với cán bộ chủ chốt của TP - Ảnh: Đình QuânBí thư Thành ủy Đinh La Thăng (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với cán bộ chủ chốt của TP - Ảnh: Đình Quân
* Tiếp tục tấn công mạnh tội phạm và thực phẩm bẩn
Bí thư Thành ủy lưu ý TP.HCM từng là “hòn ngọc Viễn Đông”, từng ở vị trí số 1 trong khu vực mà nhiều TP, quốc gia như Thái Lan, Singapore... khát khao, ngưỡng mộ. Thế nhưng hiện TP.HCM đã tụt hậu rất nhiều, thậm chí tụt hậu so với nhiều tỉnh thành trong nước, lọt ra khỏi tốp 3 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“TP.HCM dẫn đầu nhiều thứ như tình hình tội phạm, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, ùn tắc giao thông...”, ông nói.
Phát triển như những đặc khu Thẩm Quyến, Phố Đông...
Theo ông Thăng, muốn đòi lại “vị trí số 1 trong khu vực”, TP.HCM phải xây dựng được cơ chế đột phá, phối hợp tốt với T.Ư, bộ ngành, địa phương... để được phân cấp, phân quyền nhiều hơn.
Chúng ta không lập đường dây nóng để lừa dân, mị dân mà thực sự lắng nghe dân. Làm được hay không được thì đường dây nóng phải trả lời cho dân biết
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng
Một “siêu” TP như TP.HCM không thể “chung áo” và cơ chế với các tỉnh miền núi phía bắc hay ĐBSCL được. Do đó, TP.HCM phải kiên quyết theo đuổi xây dựng mô hình chính quyền điện tử, trong đó phân cấp quản lý tài chính công, ngân sách, đầu tư xây dựng, đất đai, quản lý cán bộ. Phải phát triển TP.HCM như những đặc khu Thẩm Quyến, Phố Đông (Trung Quốc). "Không thể cuối năm tổng kết trong báo cáo cứ nói tốt, nhiều cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà tăng trưởng lại lẹt đẹt", ông Thăng nhắc nhở và nhấn mạnh: “Phải bỏ được cơ chế xin - cho, chuyển bộ máy công quyền nhà nước sang bộ máy phục vụ nhân dân, doanh nghiệp vì người dân và doanh nghiệp chính là người nuôi bộ máy nhà nước”.
Về những nhiệm vụ ưu tiên, ông Thăng yêu cầu cần tiếp tục tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, trấn áp tội phạm, đặc biệt là quản lý ở khu phố, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan tự vệ, dân phòng ở khu phố. Công an TP phải phối hợp với Bộ Công an, công an các tỉnh bạn trong việc tấn công tội phạm, đưa ra cả giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài, chứ không thể đuổi tội phạm ra vùng ven. Muốn đạt được danh hiệu “TP đáng sống” thì phải xây dựng TP.HCM không có tội phạm, cướp bóc, ma túy, mại dâm...
Vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân, ông Thăng nêu vấn đề có nên lập một ủy ban kiểm soát thực phẩm bẩn trực thuộc UBND TP hay không, còn nếu không sẽ giao công việc này cho một sở làm đầu mối và các sở khác tham gia. Trước tiên, cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ chợ hóa chất, các nguồn hàng đi vào TP, các trại trồng trọt, chăn nuôi...
Về dự án đầu tư phòng thí nghiệm kiểm soát thực phẩm bẩn theo đề xuất của Sở Y tế với tổng kinh phí khoảng 900 tỉ đồng, ông Thăng lưu ý UBND TP xem xét triển khai nếu mang lại hiệu quả. Có thể tiết kiệm những khoản khác nhưng chi tiêu để người dân được ăn sạch, uống sạch, nâng cao chất lượng sống thì cần phải làm ngay chứ không tiết kiệm.
Lập lại trật tự vỉa hè chứ không đuổi người dân đi
Về chấn chỉnh lòng lề đường, ông Thăng hoan nghênh cách làm của Q.1 khi cả Bí thư, Chủ tịch, lãnh đạo Q.1 vào cuộc đã chuyển biến rõ rệt. Ông Thăng nhấn mạnh, tổ chức lập lại lòng đường, vỉa hè để cho khang trang, sạch sẽ nhưng không đuổi người dân đi chỗ khác. Do đặc thù “kinh tế vỉa hè” ở VN có sự đóng góp rất lớn và giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Ông yêu cầu các quận học tập cách làm của Q.1.
Nói về quyết định xử phạt người tiểu tiện ngoài đường, ông Thăng kể có người nhắn tin nói thực sự không muốn “đái bậy” nhưng không có chỗ nào để “giải quyết”. Như vậy câu chuyện đặt ra là liệu TP có đủ nhà vệ sinh công cộng cho người dân chưa, chứ “khi cần mà không có chỗ giải quyết thì rất căng”.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải công khai, minh bạch thông tin với người dân, hạn chế việc đóng dấu mật bừa bãi trong các văn bản. Ví dụ như vấn đề chặt cây xanh thì phải công khai để người dân biết vì sao chặt cây. Phải công khai thu chi của chính quyền để người dân nắm, báo chí và MTTQ giám sát. Ông khẳng định việc lập đường dây nóng là để lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân chứ không phải lập ra rồi để đó. “Chúng ta không lập đường dây nóng để lừa dân, mị dân mà thực sự lắng nghe dân. Làm được hay không được thì đường dây nóng phải trả lời cho dân biết”, ông Thăng khẳng định.
Xây dựng thành phố khởi nghiệp
Chiều 27.3, Thành đoàn, Hội LHTN, Hội Sinh viên và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức lễ phát động “Chương trình thanh niên khởi nghiệp, xây dựng TP.HCM - thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ”, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang và hơn 1.000 bạn trẻ.
Nhằm tạo mọi điều kiện cho bạn trẻ khởi nghiệp, ông Tất Thành Cang chỉ đạo: “Thành ủy yêu cầu các sở, ban, ngành phải nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc đầu tư xây dựng thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi về cơ chế vốn, thủ tục đầu tư, cơ chế hoạt động cũng như xây dựng mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả, phải xem sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của thành phố”.
Dịp này, TP.HCM đã công bố Quỹ đầu tư khởi nghiệp và sáng tạo. Trong đó phấn đấu nguồn vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 là 100 tỉ đồng. Trong khuôn khổ chương trình, dự án “Xếp hàng khám bệnh thông minh” của Nguyễn Khoa Tuấn Anh và dự án “Vé điện tử” của Đoàn Thiên Phúc đã được bảo trợ với số tiền 100 triệu đồng/dự án. Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP cũng phát động cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sẽ diễn ra trên cả nước, với giải nhất dành cho cá nhân lên đến 100 triệu đồng và dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp là 200 triệu đồng.
Lê Thanh
Phần lớn tội phạm cướp giật là dân Sài Gòn
Theo báo cáo của trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP, đợt ra quân trấn áp vừa qua đã kéo giảm đáng kể tình hình tội phạm. Tuy nhiên, qua công tác điều tra và thống kê thì thấy phần lớn tội phạm cướp giật ở TP do người địa phương gây ra. Đó là những đối tượng nghiện hút, thất nghiệp, tụ tập, lôi kéo nhau phạm tội. “Thực tế là như vậy chứ chúng ta không nên đổ thừa cho đối tượng từ nơi khác gây ra cướp giật”, ông Phong nói.
Ông Phong lưu ý, việc ngăn ngừa tội phạm cần làm tốt ở địa bàn cơ sở, chính quyền, công an địa phương cần nắm hộ khẩu, nắm người và quản lý tốt đối tượng. Tới đây, bên cạnh việc tiếp tục trấn áp, phòng ngừa tội phạm, Công an TP sẽ mở cuộc tổng kiểm tra hành chính và tuyên truyền, vận động thu hồi vật liệu nổ mà các đối tượng gây án thường sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.