(TNO) Số lượng vải thiều tiêu thụ qua các đầu mối của TP.HCM trong năm nay dự kiến lên đến 80.000 tấn, tăng khoảng 20.000 tấn so với năm ngoái.
Lãnh đạo ngành công thương các tỉnh phía Nam ký cam kết tiêu thụ vải thiều với Bắc Giang và Hải Dương
|
Đó là số liệu do bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tổ chức sáng nay (10.6) ở TP.HCM. Hội nghị do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), TP.HCM, tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tổ chức.
Ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Sản lượng vải thiều của cả nước hàng năm giao động từ 250.000 - 300.000 tấn. Năm 2014 vải thiều trúng mùa nhưng tiêu thụ khó khăn nhất từ trước đến nay do thị trường Trung Quốc gặp khó. Trong khó khăn đó, kinh nghiệm cho thấy cần phải tập trung vào thị trường nội địa. Chúng tôi đã tổ chức hợp tác với các tỉnh phía Nam và đặc biệt là TP.HCM trong việc tiêu thụ. Kết quả đã tiêu thụ được một lượng rất lớn lên đến khoảng 60.000 tấn. Nâng tổng sản lượng vải tiêu thụ nội địa lên đến 60%. Từ bài học kinh nghiệm đó chúng tôi muốn đẩy mạnh việc đưa hàng vào phục vụ thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Đồng, miền Tây Nam bộ với mục đích nâng số lượng tiêu thụ nội địa lên trên 65% trong năm nay".
Hiện nay đang là thời thời điểm thu hoạch vải thiều sớm, đã tiêu thụ được khoảng 25.000 tấn trong đó thị trường miền Nam là 10.000 tấn. Sắp tới khi vào chính vụ chất lượng vải thiều sẽ còn tốt hơn rất nhiều.
Tổ chức đầu mối để gắn kết sản xuất với tiêu thụ
Theo bà Hồng, việc các tỉnh sản xuất tổ chức hội nghị tiêu thụ vải thiều ở thị trường phía Nam là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên cần tổ chức sản xuất và tiêu thụ như thế nào để việc tiêu thụ nó trở thành hoạt động bình thường của thị trường. Việc cứ đến hẹn lại lên, đến mùa lại tổ chức hội nghị tiêu thụ là không nên. Đầu tiên là phải tổ chức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuât… tổ chức thành các đầu mối cung ứng.
"Ở đây chúng tôi sẽ tổ chức các đầu mối thu mua. Chỉ cần các đầu mối này ráp lại là có thể dễ dàng tiêu thụ nông sản cho nông dân", bà Hồng nói.
Đại diện các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, Sài Gòn Co.op cũng cho rằng các tỉnh cần tổ chức các đầu mối thành một hiệp hội ngành nghề để thuận tiện trong thu mua. Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương là các địa phương có thương hiệu về vải thiều và đang mở rộng diện tích theo mô hình VietGAp, GlobalGAP… thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm cho từng lô hàng để người tiêu dùng an tâm, phân biệt được với vải thiều sản xuất theo kiểu thông thường. Cần phải làm như vậy để nâng cao chất lượng và giá cả vải thiều. Trong hoạt động xuất khẩu cũng cần hết sức thận trọng nếu không sẽ bị thương nhân nước ngoài “ăn cắp” trong việc đăng ký thương hiệu như nhiều trường hợp đã qua.
“Chúng tôi cũng có định hướng như vậy. Chúng tôi đã có sẵn các địa chỉ tin cậy để giới thiệu, kết nối với các nhà thu mua, phân phối. Chúng tôi cũng đang từng bước mở rộng diện tích vải thiểu theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Hạnh nói.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết: "Chúng tôi đang phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án thí điểm xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ vải thiều".
Tổng diện tích trồng vải thiều của Bắc Giang là 32.000 ha, sản lượng khoảng 190.000 tấn. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 12.200 ha, sản lượng trên 80.000 tấn. Diện tích của Hải Dương là 11.000 ha.
Ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Hôm nay (10.6) chúng ta xuất lô hàng vải thiều đầu tiên đi Úc, trước đó vào ngày 30.5 chúng ta cũng đã xuất hàng đi Mỹ, số lượng không đáng kể. Một số thị trường nhập khẩu vải thiều của VN như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, một số nước châu Âu nhưng thị trường chính vẫn là Trung Quốc".
|
Bình luận (0)