Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM vừa xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chấp thuận chủ trương thực hiện Chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách TP.HCM, Chương trình 2 (gọi tắt là Chương trình DPO-2) của Ngân hàng Thế giới (WB).
DPO-2 gồm 8 hành động chính sách liên quan đến đầu tư chuẩn hóa dữ liệu dùng chung; công khai quy hoạch phân khu dạng vector; triển khai nâng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; đấu thầu cạnh tranh việc cho thuê mới nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh; xây dựng cơ chế phối hợp, phân công nhiệm vụ trong công tác quản lý nợ chính quyền địa phương…
Khoản vay DPO-2 trị giá 100 triệu USD dự kiến áp dụng điều kiện vay với kỳ hạn trả nợ trung bình tối đa 12 năm, lãi suất được xác định trên cơ sở thương mại (dựa vào lãi suất tham chiếu LIBOR hoặc EURIBOR). TP.HCM có thể lựa chọn lãi suất vay là lãi suất cố định (2,3%) hoặc lãi suất LIBOR 6 tháng + chênh lệch cố định.
Về khả năng trả nợ, TP.HCM tính toán nếu lựa chọn phương án vay 20 năm, 4 năm ân hạn, lãi suất cố định 2,3%/năm, bình quân mỗi năm trả hơn 6,7 triệu USD (tương đương hơn 155 tỉ đồng, quy đổi theo tỷ giá hạch toán Bộ Tài chính tháng 3.2021).
|
UBND TP.HCM cho biết năm 2021, Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước cho TP.HCM hơn 42.200 tỉ đồng; trong đó vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ hơn 14.800 tỉ đồng, vốn cân đối từ ngân sách TP.HCM gần 27.400 tỉ đồng.
Trong khi đó, nhu cầu vốn đăng ký của các đơn vị trong năm 2021 là hơn 47.800 tỉ đồng, dẫn đến nguồn vốn Trung ương giao không đủ cân đối, thiếu hụt hơn 20.400 tỉ đồng. Do vậy, UBND TP.HCM cho rằng việc sớm giải ngân nguồn vốn từ Chương trình DPO-2 trong năm 2021 sẽ giúp tăng khả năng cân đối ngân sách thành phố cho đầu tư phát triển.
Trước đó, Chương trình DPO-1 gồm 7 hành động chính sách được Bộ Tài chính giải ngân cho TP.HCM vào tháng 4.2020. Khoản vay 2.860 tỉ đồng bố trí cho 153 dự án, đến hết tháng 1.2021, tỷ lệ giải ngân hơn 96%.
DPO là khoản vay theo phương thức hỗ trợ ngân sách gắn với các hoạt động cải cách về cơ chế và chính sách, thực hiện theo chuỗi chương trình (Chương trình DPO-1 và Chương trình DPỌ-2). Chương trình nhằm hỗ trợ TP.HCM đạt được các kết quả phát triển kinh tế - xã hội bền vững thông qua tiến trình cải cách các hành động chính sách và thể chế trong một số lĩnh vực ưu tiên (tài chính ngân sách, dịch vụ công, đất đai, tài sản công...).
DPO còn giúp bổ sung nguồn vốn chi đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của TP.HCM và chuyển tiếp thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình DPO được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương hồi đầu năm 2019 với tổng kinh phí tài trợ 225 triệu USD, trong đó DPO-1 là 125 triệu USD và DPO-2 là 100 triệu USD. Khoản vay này được thực hiện theo cơ chế UBND TP.HCM vay lại 100% vốn vay Ngân hàng Thế giới của Chính phủ. Khoản vay được Bộ Tài chính giải ngân hòa vào ngân sách TP.HCM, chi đầu tư phát triển sau khi hoàn thành các hành động chính sách được cam kết.
Bình luận (0)