TP.HCM đưa người dân sống ven kênh rạch lên chung cư

04/08/2024 05:41 GMT+7

Việc TP.HCM tính toán nâng mức hỗ trợ lên 70% cùng với chính sách tái định cư linh hoạt sẽ tạo đột phá cho kế hoạch di dời nhà kênh rạch, giúp người dân ổn định cuộc sống.

THẤP THỎM BÊN DÒNG KÊNH ĐÔI

Một trưa đầu tháng 8.2024, ông Lê Văn Sù (66 tuổi, nhà ở đường Hoài Thanh, P.14, Q.8, TP.HCM) nằm dài trên chiếc ghế bố, thấp thỏm không yên về tương lai sắp tới. Năm 1971, ông Sù cắm ghe bên dòng kênh Đôi, rồi đổ xà bần san lấp, cất nhà làm nơi ở tạm. Khi đất nước thống nhất, ông Sù tham gia thanh niên xung phong đi vùng kinh tế mới, khi hoàn thành thì quay trở lại căn nhà cũ, nay trên đường Hoài Thanh. Gọi là nhà nhưng nơi ở của gia đình ông tương đối tạm bợ, chỉ là vách gỗ, phía trên lợp tôn, mùa hè nóng hầm hập.

TP.HCM đưa người dân sống ven kênh rạch lên chung cư- Ảnh 1.

Bờ nam kênh Đôi (Q.8) dự kiến phải di dời khoảng 5.000 căn nhà trên và ven kênh

Sỹ Đông

Những trường hợp này về bản chất là sinh sống ổn định và không có nhà ở nào khác trên địa bàn TP.HCM thì nhà nước xem xét tái định cư cho người dân bằng NOXH. Điều này thể hiện sự nhân văn của chính sách, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp.


Ông Lưu Minh Đạt, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng Q.12, TP.HCM

Cách đó không xa, căn nhà 38 m² của gia đình ông Lưu Thanh Hoàng (ở đường Nguyễn Duy, P.12, Q.8) có từ trước năm 1975 do cha mẹ để lại, hiện trạng dài 11 m thì 7 m xây trên đất, 4 m dựng sàn trên kênh. Cũng như hầu hết các hộ dân bên dòng kênh Đôi, nhà ông Hoàng chưa được cấp sổ đỏ, chỉ có tờ khai từ năm 1999. Nhiều căn nhà trải qua nhiều đời chủ theo dạng mua bán giấy tay, người dân tự ý lấn chiếm bờ kênh, cơi nới thêm để có chỗ ở.

TP.HCM đưa người dân sống ven kênh rạch lên chung cư- Ảnh 2.

Nhà ông Lê Văn Sù (đường Hoài Thanh, P.14, Q.8, TP.HCM) sắp phải di dời để triển khai dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi

Sỹ Đông

Gia đình ông Sù và ông Hoàng là 2 trong số gần 1.600 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo bờ bắc kênh Đôi, ước tính có hơn 1.000 căn nhà phải giải tỏa trắng. Theo thông báo thu hồi đất của UBND Q.8 ban hành cuối tháng 4.2024, ông Sù sẽ bị thu hồi hơn 23 m², thuộc diện giải tỏa trắng. Hiện địa phương chưa thông báo số tiền bồi thường, hỗ trợ cụ thể cũng như nơi tái định cư nên tâm trạng các hộ dân khá phập phồng.

Theo quy định hiện hành của UBND TP.HCM, những căn nhà hình thành trước ngày 15.10.1993 được hỗ trợ 40% kinh phí bồi thường đất ở, từ ngày 15.10.1993 đến 1.7.2004 chỉ được hỗ trợ 30%. Vì nhà đất không có sổ đỏ nên ông Sù lo lắng khoản hỗ trợ nhận được không đủ để mua nền đất hoặc căn hộ tái định cư bởi bản thân không có việc làm, sống nhờ con cái. "Cầm tiền hỗ trợ rồi tự thuê nhà thì được vài năm cũng hết. Nếu được hỗ trợ mua nhà ở xã hội (NOXH), phần còn thiếu nhà nước cho trả góp thì may ra mới kham nổi", ông Sù nói. Trong khi đó, ông Hoàng thì lo ngại khi chuyển lên chung cư ở phải đóng phí quản lý, tiền giữ xe, không thuận tiện buôn bán như ở dưới đất.

Dân vẫn phập phồng chỗ ở sau di dời nhà ven kênh rạch: Chuyên gia nói gì?

NHÀ TRÊN KÊNH CŨNG ĐƯỢC TÁI ĐỊNH CƯ

Ông Tô Văn Lâm, Phó trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết tình trạng nhà trên và ven kênh rạch hiện nay chủ yếu có 2 loại. Thứ nhất là nhà ven kênh rạch, tức nhà xây trong phạm vi hành lang bảo vệ kênh rạch, phần xây dựng trên bờ. Thứ hai, nhà trên kênh rạch là dạng nhà sàn trên mặt nước, kết cấu tạm bợ, diện tích nhỏ hẹp, lụp xụp, do người dân lấn chiếm, đa phần thuộc dạng hộ nghèo. Theo khảo sát sơ bộ của Sở Xây dựng, tỷ lệ nhà lấn chiếm trên kênh rạch dao động khoảng 60%.

TP.HCM đưa người dân sống ven kênh rạch lên chung cư- Ảnh 3.

Sở TN-MT TP.HCM đề xuất áp dụng chính sách hỗ trợ mới cho dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

Nhật Thịnh

Các đối tượng nhà trên và ven kênh rạch gồm những hộ không có giấy tờ hợp lệ, đa phần là chiếm dụng, nhà đất không hợp pháp, sẽ không đủ điều kiện bố trí tái định cư theo Quyết định 28 năm 2018 của UBND TP.HCM, cũng không được hưởng chính sách về NOXH. "Phần lớn hộ dân chỉ được hỗ trợ, bồi thường một phần, không đủ để chi trả tiền mua nhà ở thương mại, nên việc vận động người dân đồng thuận và bàn giao mặt bằng thực hiện dự án là rất khó khăn", ông Lâm nói.

Đây là lý do chính khiến tiến độ các dự án di dời nhà ven kênh ở TP.HCM nhiều năm qua rất chậm. Cụ thể, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu bồi thường 6.500 căn nhà trong giai đoạn 2021 - 2025 nhưng đến hết quý 2/2024 mới di dời được 983 căn. Dự kiến đến hết năm 2025, địa phương này cũng chỉ di dời 4.928/6.500 căn (đạt 76% chỉ tiêu), trọng tâm là dự án rạch Xuyên Tâm (di dời 2.134 căn) và dự án bờ bắc kênh Đôi (di dời 1.580 căn).

Trước thực trạng trên, Sở Xây dựng và Sở TN-MT đang đề xuất một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân sống ven kênh rạch mang tính đột phá. Cụ thể, Sở TN-MT đề xuất hỗ trợ 70% giá bồi thường đất ở sau khi đã trừ nghĩa vụ tài chính đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch trước tháng 7.2014. Các trường hợp được giải quyết tái định cư nhưng tiền bồi thường, hỗ trợ về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được nhà nước hỗ trợ đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu (bằng tiền, bằng đất ở, bằng nhà ở). Nếu tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ về nhà ở, đất ở hộ dân được nhận không đủ thanh toán giá trị nhà ở trong khu tái định cư thì xem xét giải quyết cho hộ dân được trả góp.

Trong khi đó, Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM đề án cho hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch được thuê hoặc thuê mua NOXH tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính. Ước tính nhu cầu NOXH phục vụ công tác di dời, tái định cư đối với nhà đất trên và ven kênh rạch trên toàn địa bàn TP.HCM khoảng 18.000 căn. Về nguồn lực, quỹ đất xây dựng NOXH từ quỹ nhà đất công hoặc các trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm triển khai, sử dụng đất không đúng mục đích. Kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, các dự án thương mại dưới 10 ha mà chủ đầu tư chọn thực hiện nghĩa vụ 20% NOXH bằng tiền, hỗ trợ từ Chính phủ.

CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN

Một lãnh đạo Sở TN-MT cho biết việc đề xuất chính sách nêu trên dựa theo luật Đất đai 2024 và Nghị quyết 98 năm 2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Việc tăng mức hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người dân bằng NOXH thể hiện sự nhân văn, đảm bảo mọi hộ dân đều được tiếp cận chỗ ở tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Bên cạnh đó, việc nhà nước bỏ kinh phí đầu tư NOXH trên các khu đất công cũng giúp kéo giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng so với việc chờ đợi doanh nghiệp làm dự án thương mại thực hiện nghĩa vụ NOXH.

TP.HCM đưa người dân sống ven kênh rạch lên chung cư- Ảnh 4.

Sở TN-MT TP.HCM đề xuất áp dụng chính sách hỗ trợ mới cho dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

Nhật Thịnh

Trao đổi với PV Thanh Niên, nhiều chuyên gia nhận định phương án mà Sở TN-MT đề xuất mở ra hướng tiếp cận mới về cải thiện điều kiện về nhà ở cho người dân ven kênh rạch khi di dời, đảm bảo an sinh xã hội cũng như đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị. TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nói rằng ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên, bởi lẽ tình trạng nhà trên kênh do lịch sử để lại, người dân vì khó khăn mà xây dựng không có giấy phép, không có hồ sơ. Nhà nước cần sớm đo đạc, tính giá trị nhà chồm ra mặt nước bằng bao nhiêu so với đất rồi quy ra tỷ lệ để người dân dự liệu chỗ ở mới phù hợp túi tiền.

Ông Lưu Minh Đạt, Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng Q.12, cho biết trên địa bàn quận có hơn 7.000 trường hợp nhà ven kênh rạch, nhà đất của người dân đều có chủ quyền nhưng thuộc phạm vi hành lang kênh rạch, khi chỉnh trang đô thị vẫn phải di dời. Theo quy định hiện hành, các trường hợp này được xem xét chính sách hỗ trợ, tái định cư bình thường bằng nền đất hoặc căn hộ, như vừa qua áp dụng đối với dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Tuy nhiên, khi xét hồ sơ bồi thường thì phải tính thời điểm xây dựng. Như Q.12 có nhiều đồ án được phê duyệt quy hoạch từ rất sớm (năm 1999, năm 2004), nếu nhà dân xây dựng sau thời điểm quy hoạch được duyệt thì không được bồi thường đất ở mà chỉ được bồi thường đất nông nghiệp, thông thường đơn giá đất nông nghiệp thấp hơn nhiều so với đất ở. "Những trường hợp này về bản chất là sinh sống ổn định và không có nhà ở nào khác trên địa bàn TP.HCM thì nhà nước xem xét tái định cư cho người dân bằng NOXH. Điều này thể hiện sự nhân văn của chính sách, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp", ông Lưu Minh Đạt nói.

Giám sát chặt, không để lấn chiếm lợi dụng chính sách

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa giao 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức rà soát, tổng hợp số lượng nhà ở trên và ven các tuyến sông, kênh, rạch cần phải di dời, chỉnh trang, phát triển đô thị.

Trong đó, địa phương cần phân nhóm về pháp lý, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, các trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện bồi thường về đất ở cũng như thống kê số trường hợp cần bố trí tái định cư bằng NOXH, nhà ở phục vụ tái định cư. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động rà soát, đề xuất các quỹ đất có thể triển khai ngay việc đầu tư xây dựng NOXH, nhà ở phục vụ tái định cư cho các hộ dân ven kênh rạch, bao gồm quỹ đất xây dựng NOXH do chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại bàn giao.

Các khu đất cần xác định rõ diện tích, hiện trạng, pháp lý đất, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, tổng mức đầu tư dự kiến, phương thức thực hiện, đồng thời xác định thời điểm xây dựng, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng từ nay đến năm 2030.

Ông Phan Văn Mãi lưu ý quỹ đất đề xuất đầu tư NOXH, nhà ở tái định cư phải có quy mô dự kiến xây dựng đảm bảo tương ứng với số lượng nhà trên và ven sông, kênh, rạch cần di dời trên từng địa bàn. Việc rà soát phải hoàn thành trước ngày 18.8. Song song đó, địa phương cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với nhà trên và ven sông, kênh, rạch để tránh trường hợp phát sinh các đối tượng lợi dụng chính sách, xây dựng không phép, lấn chiếm đất sông, kênh, rạch sau thời điểm khảo sát số liệu báo cáo.

Về việc đầu tư xây dựng NOXH, nhà ở tái định cư phục vụ công tác di dời nhà ven kênh, Sở Xây dựng phối hợp Sở TN-MT cùng các đơn vị liên quan tham mưu trình UBND TP.HCM trước ngày 25.8.

Xác định thời điểm hỗ trợ bằng giấy tờ nào ?

Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng một quận khu vực trung tâm cho biết, trong trường hợp đề xuất của Sở TN-MT được thông qua thì phương án bồi thường vẫn phải căn cứ vào pháp lý, từng mốc thời điểm sử dụng đất chứ không phải lấy thước đo thực tế rồi bồi thường. Thông thường, địa phương sẽ dùng các giấy tờ như tài liệu bản đồ, hồ sơ địa chính, biên bản xử lý hành vi lấn chiếm... để xác định thời điểm tạo lập. Nếu người dân mua bán bằng giấy tay, chính quyền địa phương cũng phải kiểm tra, xác minh lại từ khu phố, các hộ dân xung quanh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.