(TNO) Sáng 14.4, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
|
Theo quyết định của Thủ tướng, mục tiêu tổng quát là xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn đối với khu vực và cả nước; từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á.
TP.HCM tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Phát triển đồng bộ các loại hình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng của đô thị đặc biệt.
GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đến năm 2015 đạt từ 4.856 - 4.967 USD, đến năm 2020 đạt từ 8.430 - 8.822 USD, đến năm 2025 đạt từ 13.340 - 14.285 USD. GDP bình quân thời kỳ 2011 - 2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước.
Quy mô dân số TP.HCM đến năm 2015 đạt 8,2 triệu người, đến năm 2020 đạt 9,2 triệu người và đến năm 2025 đạt 10 triệu người (không kể khách vãng lai và người tạm trú dưới 6 tháng).
Về phương hướng phát triển không gian đô thị, TP.HCM phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km. TP phát triển với hai hướng chính là: hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là: hướng Tây-Bắc và hướng Tây, Tây-Nam.
Về nhu cầu vốn đầu tư, giai đoạn 2011-2015 có tổng vốn đầu tư từ 1,3-1,4 triệu tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 12%.
Giai đoạn 2016-2020 có tổng vốn đầu tư từ 2,7-3 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 10%.
Giai đoạn 2021-2025 có tổng vốn đầu tư từ 5-5,6 triệu tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 8%.
Một số dự án ưu tiên đầu tư: Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Mở rộng xa lộ Hà Nội; Nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Trường Chinh-u Cơ đến ngã ba Trường Chinh-Cộng Hòa); Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1; Mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất… Từng bước hạn chế phương tiện cá nhân.
Về định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đường bộ, Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống đường hướng tâm đối ngoại và hệ thống đường vành đai; xây dựng hệ thống cầu và các nút giao thông trọng yếu, giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng; xây dựng 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau với 4 làn xe ở các trục có lưu lượng giao thông lớn...
Theo quy hoạch, giai đoạn 2015-2020, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ đạo trong vận tải công cộng và vận tải đường sắt đô thị TP.HCM sẽ từng bước được hình thành vào giai đoạn 2021-2025.
Để phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của thành phố, phương tiện giao thông cá nhân sẽ từng bước hạn chế bằng các biện pháp kinh tế, hành chính với lộ trình phù hợp.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho rằng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với TP.HCM, mà còn đối với cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước.
Nhắc đến dự án mở rộng đường Trường Chinh (Hà Nội), ông Quân yêu cầu các sở ngành, quận huyện phải nghiêm túc và tuân thủ đúng quy hoạch khi triển khai thực hiện.
“Đường đã quy hoạch rồi thì không được nắn qua, nắn lại”, ông Quân nhấn mạnh.
Đình Phú - Đình Sơn
>> Không gian đô thị Hà Nội đang bị biến dạng
>> Không gian đô thị chung tại TPHCM: Chưa đẹp, chưa hấp dẫn
>> Đánh thức không gian đô thị
>> Ngày 10.11 thi công nhà ga tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội
>> Hà Nội triển khai thêm 2 tuyến đường sắt đô thị
>> Đường sắt đô thị tại TP.HCM sẽ sử dụng thẻ thông minh
>> Điều chỉnh dự án đường sắt đô thị số 1
Bình luận (0)