Theo quyết định, dự án có phạm vi giải phóng mặt bằng gồm hai đoạn. Trong đó đoạn 1 (địa phận TP.Thủ Đức) dài 14,73 km từ điểm giáp nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến điểm cuối giáp nút giao Tân Vạn; đoạn 2 dài 32,6km đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, điểm đầu giáp cầu Bình Gởi, điểm cuối hết phạm vi cầu Thầy Thuốc.
Sơ đồ hướng tuyến dự án |
VGP |
Sau khi phê duyệt thiết kế ranh, lãnh đạo TP.HCM giao chủ đầu tư là Ban Giao thông khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng TP.Thủ Đức và các huyện có dự án đi qua tổ chức cắm cọc, bàn giao hồ sơ ranh giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục điều chỉnh các đồ án quy hoạch bị ảnh hưởng, làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Ngoài ra, chủ đầu tư được giao nhiệm vụ tiếp tục rà soát, chuẩn xác các số liệu tính toán, làm cơ sở lựa chọn phương án thiết kế kết cấu chi tiết đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật, tiết kiệm và hiệu quả về mặt kinh tế.
Lãnh đạo Ban Giao thông cho biết, việc phê duyệt ranh, cắm cọc là mốc tiến độ quan trọng làm cơ sở thực hiện các công việc tiếp theo như lập đồ án điều chỉnh các quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Các dự án thành phần còn lại đi qua địa bàn Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch tổng thể đã được phê duyệt.
Cụ thể, trong năm 2022, mỗi địa phương sẽ lập và duyệt 2 dự án thành phần là dự án xây lắp và bồi thường GPMB. Trong năm tiếp theo, phấn đấu khởi công chính thức dự án vào tháng 6.2023. Sau đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công để đến năm 2025 có thể thông xe trục 4 làn xe của tuyến cao tốc chính.
Bình luận (0)