TP.HCM: Giám đốc bệnh viện cần làm ngay 10 hoạt động này để ứng phó với Covid-19

Duy Tính
Duy Tính
11/05/2021 15:12 GMT+7

Nhiều bệnh viện trong nước đã phong tỏa vì Covid-19 , các bệnh viện tại TP.HCM cũng đặt trong tình trạng báo động, cần chủ động ứng phó, nếu không cũng trở thành nơi có nguy cơ đóng cửa.

Sáng 11.5, Sở Y tế TP.HCM đã họp với tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế để triển khai chủ động ứng phó và xử lý Covid-19 trong tình huống khẩn cấp.

Quảng Trị có thêm 2 ca Covid-19, truy vết hàng trăm người liên quan

Theo lãnh đạo Sở Y tế, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, và đã có một số bệnh viện đã bị phong tỏa do dịch bệnh lây lan trong bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu tất cả bệnh viện phải đặt trong tình trạng báo động cao nhất và tăng cường triển khai quyết liệt hơn nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19 đã được ban hành.

Tăng cường siết khai báo y tế, sàng lọc người đến bệnh viện

Qua công tác kiểm tra đột xuất các bệnh viện về công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế nhấn mạnh 10 hoạt động ưu tiên mà Giám đốc các bệnh viện cần làm ngay để chủ động ứng phó với Covid-19 trong tình hình hiện nay. 
Thứ nhất, hình thành khu vực khai báo y tế, buồng khám sàng lọc, buồng cấp cứu sàng lọc tách rời khỏi khối nhà hiện hữu của bệnh viện, có lối đi riêng. Nếu vì điều kiện khách quan chưa thực hiện được, phải bố trí khu vực này nằm ở vị trí tương đối tách biệt với khoa Khám bệnh và có lối đi riêng.
Thứ hai, triển khai nghiêm túc khai báo y tế điện tử cho tất cả mọi người khi đến bệnh viện. Lưu ý, bắt buộc phải thực hiện khâu “check-in” để xác nhận người bệnh đã vào bệnh viện, bệnh viện cần trang bị máy quét để thực hiện khâu này.
Thứ ba, bố trí nhân viên đã được tập huấn thường trực tại khu vực khai báo y tế, buồng khám sàng lọc, buồng cấp cứu sàng lọc. Đảm bảo kịp thời phát hiện người khai báo y tế thuộc nhóm nguy cơ để hướng dẫn đến buồng khám sàng lọc ngay.
Thứ tư, bệnh viện cần có quy định cụ thể về các thời điểm cần sàng lọc người bệnh, thân nhân người bệnh, học sinh, sinh viên… Thực hiện sàng lọc nhiều cấp: tại cổng bệnh viện, tại khoa khám bệnh, tại mỗi khoa lâm sàng. Ban hành quy định các bác sĩ, điều dưỡng khi tiếp nhận bệnh nhân mới, khi đi buồng bệnh cần tiếp tục khai thác yếu tố dịch tễ để sàng lọc lại,... kịp thời phát hiện người có yếu tố nguy cơ để cách ly ngay.

Trưa 11.5: Thêm 16 ca Covid-19 lây nhiễm trong nước ở 5 tỉnh thành

Tăng cường năng lực xét nghiệm Covid-19 

Thứ năm, tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 của bệnh viện. Triển khai xét nghiệm tầm soát (xét nghiệm nhanh kháng nguyên, RT-PCR) định kỳ cho nhân viên và bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế. Các bệnh viện phấn đấu có ít nhất 1 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR cho mỗi 300 giường bệnh, và có đủ điều kiện, năng lực xét nghiệm Covid-19.
Thứ sáu, sẵn sàng các buồng cách ly tại mỗi khoa, ban hành quy định nội bộ về sử dụng buồng cách ly, quy định về lối đi tách biệt từ buồng khám sàng lọc, buồng cấp cứu sàng lọc lên các buồng cách ly tại các khoa.
Thứ bảy, không tổ chức người thân thăm bệnh tại các bệnh viện. Chỉ định nhập viện khi thật sự cần thiết, rút ngắn thời gian nằm viện nếu có thể. Chỉ chuyển tuyến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính. Không tổ chức hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn… tập trung đông người, thay vào đó, triển khai bằng hình thức trực tuyến.
Thứ tám, rà soát, bổ sung đảm bảo luôn sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong bệnh viện. Xây dựng các kịch bản từ đơn giản đến phức tạp nhất, các giải pháp tương ứng các kịch bản, tổ chức diễn tập và rút kinh nghiệm. Lập kế hoạch đảm bảo đủ nguồn nhân lực trong mọi tình huống.
Thứ chín, tổ chức tiêm chủng cho tất cả nhân viên bệnh viện, tuân thủ nghiêm các quy định về tiêm chủng, đặc biệt lưu ý phát hiện và xử trí phản ứng phản vệ sau tiêm.
Thứ mười, hình thành tổ công tác liên khoa, phòng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của nhân viên đối với các hoạt động phòng, chống dịch đã được bệnh viện quy định (căn cứ vào các quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế). Trong đó, đặc biệt quan tâm: đối chiếu sự tương xứng giữa kết quả khai báo y tế điện tử của nhóm bệnh nhân có nguy cơ có tương xứng với số lượt khám sàng lọc tại cùng một thời điểm hay không; sự tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn; việc triển khai các giải pháp giãn cách tại khoa Khám bệnh... 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.