TP.HCM giám sát chặt nhà đất công

Đình Phú
Đình Phú
17/01/2019 04:50 GMT+7

Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng năm 2018 do Thành ủy tổ chức hôm qua 16.1.

Chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nhà đất công là một trong những nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP. “Thời gian tới, sử dụng nhà đất, tài sản công phải thông qua đấu giá công khai, không giao chỉ định; giám sát chặt chẽ, tránh thất thoát, sai phạm dẫn đến cán bộ, đảng viên bị kỷ luật”, ông Nhân nói.

Còn tình trạng nể nang, né tránh trong đấu tranh...

Liên quan đến công tác kiểm tra tài chính Đảng, doanh nghiệp (DN) thuộc sở hữu của Đảng bộ TP và các tài sản, tài chính, đầu tư công quan trọng khác, tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy, cho hay có tình trạng chi sai, sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp lệ; mặt bằng nhà đất công nhiều nơi để bị chiếm dụng, quản lý lỏng lẻo, cho thuê tùy tiện, nguy cơ thất thoát...
Đáng chú ý, đối với Văn phòng Thành ủy, Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận, Công ty TNHH MTV xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận (2 DN thuộc sở hữu Đảng bộ TP) có vi phạm trong thẩm định, đề xuất cho phép chuyển nhượng, hợp tác kinh doanh đối với các dự án, đất đai của công ty (trong đó có khu đất hơn 30 ha dự án khu nhà ở Phước Kiển, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè liên đới đến trách nhiệm của ông Tất Thành Cang. Ông Cang đã bị T.Ư kỷ luật cách chức Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP - PV).
Theo ông Hiếu, các sai phạm nghiêm trọng tại các cơ quan, đơn vị này được xác định do thiếu thẩm định chặt chẽ, chính xác khi tham mưu đề xuất, nên việc thực hiện hợp tác đầu tư, chuyển nhượng các dự án còn nhiều khuyết điểm, vi phạm, không đúng với quy định của Ban Thường vụ Thành ủy và quy định của pháp luật. Thực hiện không đúng quy định của nhà nước về chuyển nhượng, bán tài sản bằng hình thức chỉ định, không qua đấu giá, đấu thầu; không họp bàn bạc, thảo luận dẫn đến đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo giá trị ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng, thấp hơn giá do Hội đồng thẩm định giá TP thẩm định, thấp hơn giá do công ty xây dựng phương án giá dự kiến thỏa thuận đền bù tiếp theo với người dân.
Đáng chú ý hơn, theo ông Hiếu, qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn DN nhà nước cho thấy có tình trạng cổ đông chiến lược được chọn “chỉ quan tâm đến đất đai, tài sản công”... Nguyên nhân dẫn đến vi phạm là có tình trạng mất dân chủ, buông lỏng công tác lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, nể nang, né tránh trong việc đấu tranh, chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm; một bộ phận đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện.

Phải công khai kỷ luật đảng viên sai phạm

Theo báo cáo của UBKT Thành ủy, mặc dù nội dung kiểm tra, giám sát chưa đi sâu vào các lĩnh vực trọng tâm, bức xúc, nổi cộm, dư luận quan tâm, địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm; có trường hợp kiểm tra, giám sát còn hình thức... nhưng trong năm 2018 Thành ủy và cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật khiển trách 10 tổ chức Đảng, 412 đảng viên (309 đảng viên bị khiển trách, 81 đảng viên bị cảnh cáo, 15 đảng viên bị cách chức, 7 đảng viên bị khai trừ).
Riêng đối với Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường tiếp nhận, xử lý kiến nghị của cử tri, giám sát của mặt trận, tố cáo của người dân và phản ánh của báo chí về các tập thể, cá nhân suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của đảng, pháp luật nhà nước, kết quả 1 năm thực hiện đã xử lý kỷ luật 97 đảng viên (khiển trách 56, cảnh cáo 33, cách chức 7 và khai trừ 1); xử lý kỷ luật về chính quyền 142 cán bộ, công chức (khiển trách 63 trường hợp, kéo dài thời gian nâng bậc lương 10 trường hợp, cảnh cáo 40 trường hợp, giáng cấp hoặc chuyển vị trí công tác 9 trường hợp, buộc thôi việc 13 trường hợp...), có trường hợp chuyển sang cơ quan điều tra để điều tra xử lý.
Còn có một nội dung rất đáng chú ý khác, đó là việc xử lý kỷ luật về mặt chính quyền khi có kết luận thanh tra, kiểm toán còn chậm, chưa kịp thời; một số quyết định kỷ luật của chính quyền chưa nghiêm, chưa phù hợp với tính chất, mức độ sai phạm của cán bộ, đảng viên; công tác phối hợp xử lý chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.
Liên quan việc này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng kết quả kiểm tra giám sát chưa được công khai đúng mức. Cụ thể, trong năm 2018 thực hiện Quy định 1374, trong số hàng trăm đảng viên, cán bộ, công chức bị thi hành kỷ luật, chỉ có 4 trường hợp thông tin cho báo chí. Theo ông Nhân, tỷ lệ này là “quá thấp, chưa tăng được tính răn đe”. “Phải đẩy mạnh thông tin cho báo chí, công khai, minh bạch để thấy rằng tổ chức Đảng, chính quyền đang đẩy mạnh kiểm tra giám sát, cảnh báo nếu sai phạm sẽ bị phát hiện...”, ông nói.
Chỉ ra một “hạn chế then chốt” của công tác giám sát, kiểm tra, đó là “sai phạm trong hệ thống tự mình ít phát hiện”, ông Nhân yêu cầu UBKT Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy tập trung phối hợp các cơ quan nội chính (thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án...) tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện và xử lý các sai phạm; kể cả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với thành ủy viên, cán bộ chủ chốt của các quận ủy, huyện hủy..., hằng quý phải có báo cáo cụ thể nhằm chấm dứt tình trạng “có sai phạm nhưng vẫn qua đò”.

Đột phá cải cách hành chính

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho hay, một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 là đột phá cải cách hành chính. “Vấn đề này không phải chỉ anh Lắm (ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ - PV) chịu trách nhiệm, mà Thường trực UBND TP, Thường trực Thành ủy cũng phải chịu trách nhiệm. Chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn, thổi còi mạnh mẽ hơn nữa”, ông Nhân nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.