Ngày 11.10, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) đã diễn ra Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ (từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận), triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn 2024 - 2025.
Sau 1 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 - 2025, TP.HCM và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã thực hiện 10/10 nội dung hợp tác cấp vùng và 10/11 nội dung hợp tác song phương.
Nhiều nội dung hợp tác cụ thể giữa các địa phương trong từng năm và giai đoạn 2024 - 2025 đã được định hình, thống nhất phối hợp triển khai. Trong đó, đã tổ chức đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM, quảng bá đến người tiêu dùng TP.HCM với quy mô hơn 10 triệu người.
Các sự kiện liên vùng như hội chợ du lịch quốc tế, ngày hội du lịch, chương trình kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ nhận được sự quan tâm của các tỉnh trong vùng, tạo sự liên kết, hợp tác phát triển đầu tư, thương mại, du lịch.
Phát biểu tại hội nghị, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng vùng Duyên hải Trung bộ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng vẫn phải phát triển công nghiệp hóa. Vì vậy, TP.HCM cần truyền kinh nghiệm lại cho từng tỉnh, từng khu công nghiệp để làm sao có thể hợp tác giải quyết được những khó khăn trong việc phát triển công nghiệp xanh. Ngoài ra, các địa phương cần phải phát triển du lịch vùng thay vì đơn lẻ. Đồng thời, tập trung phát đẩy nhanh tiến độ thực hiện đường ven biển kết nối các tỉnh.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ mong muốn trong thời gian tới, UBND TP.HCM làm đầu mối để các doanh nghiệp trong vùng có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp ở TP.HCM tạo thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững.
Sau khi nghe các ý kiến của chuyên gia và lãnh đạo các tỉnh, ông Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cam kết TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ vùng Duyên hải Trung bộ phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ông Hải đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh của vùng vì đây là lực lượng triển khai liên kết hiệu quả nhất.
Hỗ trợ từng địa phương phát triển
Trong năm vừa qua, UBND TP.HCM đã hỗ trợ từng địa phương thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, hội chợ thương mại và hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Trong đó tại Quảng Ngãi, đã phối hợp xây dựng chương trình du lịch, tuyến du lịch gắn với tham quan các khu di tích lịch sử; các tuyến du lịch gắn với các sản phẩm du lịch xanh, MICE, nghỉ dưỡng...
Tại Bình Định, đã phối hợp tổ chức Đoàn gồm 24 doanh nghiệp TP.HCM tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại vào tỉnh này.
Tại Phú Yên, đã hỗ trợ công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch, các điểm đến trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khách du lịch đến Phú Yên; phối hợp nghiên cứu, hỗ trợ hoàn thiện và tập huấn 6 quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên.
Tại Khánh Hòa, đã phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ vào tháng 4.2023 tại Nha Trang, thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự, ký kết 28 hợp đồng và 18 biên bản ghi nhớ giao thương với các doanh nghiệp cung ứng của các địa phương vùng Duyên hải Trung bộ.
Với Ninh Thuận, TP.HCM đã phối hợp tổ chức Hội nghị chia sẻ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và đi khảo sát thực tế tại một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Còn tại Bình Thuận, đã phối hợp tổ chức các hoạt động về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức Hội chợ công nghệ thiết bị tỉnh Bình Thuận nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học liên kết sản xuất kinh doanh…
Bình luận (0)