Ngày 3.1, UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo báo cáo của UBND H.Bình Chánh, năm 2024, huyện hoàn thành 21/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
H.Bình Chánh được UBND TP.HCM bố trí kế hoạch vốn hơn 3.157 tỉ đồng cho 389 dự án. Tính đến ngày 31.12.2024, huyện đã giải ngân được hơn 2.889 tỉ đồng, đạt 91,53%.
Công tác thu ngân sách nhà nước của H.Bình Chánh vượt tiến độ đề ra là hơn 3.887 tỉ đồng (đạt 155,7% so với dự toán). Trong đó, thu tiền sử dụng đất là khoảng 1.832 tỉ đồng.
H.Bình Chánh cũng hoàn thành công tác bồi thường và bàn giao mặt bằng 100% cho các dự án nâng cấp hạ tầng đường đi, trường học, môi trường như dự án quốc lộ 50; depot Tân Kiên (dự án xây dựng khu trung tâm điều khiển, tập kết, bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuộc metro Bến Thành - Tân Kiên)… Huyện cũng đẩy mạnh bồi thường, bàn giao mặt bằng các dự án đường Võ Văn Kiệt, Vành đai 3, công trình xây dựng kè chống sạt lở bờ phải sông Cần Giuộc…
Công tác chuyển đổi số cũng được H.Bình Chánh tập trung triển khai. Đến nay, toàn huyện có 413 tổ công nghệ số cộng đồng đang hoạt động với hơn 2.000 thành viên. Thời gian tới, huyện sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ này, thành viên nòng cốt là các đoàn viên thanh niên am hiểu về công nghệ thông tin để hỗ trợ hướng dẫn người dân tham gia sử dụng các tiện ích số, cùng chính quyền thực hiện chuyển đổi số.
Tại hội nghị, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá công tác thực hiện các nhiệm vụ trong năm qua đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Lãnh đạo thành phố thống nhất với các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của UBND H.Bình Chánh trong năm 2025.
"Năm 2025 có rất nhiều hoạt động phải làm, dĩ nhiên sẽ có khó khăn nhưng cũng có nhiều cơ hội. Tôi đề nghị H.Bình Chánh bám sát chủ đề năm, tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện Nghị quyết 98 (thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM), giải quyết những vướng mắc, tồn đọng", ông Cường cho biết.
Bên cạnh đó, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết, H.Bình Chánh phấn đấu cùng 4 huyện còn lại (Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ) đến năm 2030 phải cơ bản đạt được các tiêu chí công nhận thành phố.
"Chúng ta phải đảm bảo làm sao phát triển theo đúng tiến độ. Huyện phấn đấu như thế nào đó để quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đảm bảo tiệm cận tiêu chí. Tôi đề nghị H.Bình Chánh cần bắt tay thực hiện ngay từ năm 2025, điều chỉnh mô hình quản trị sao cho cho phù hợp với yêu cầu đề ra", ông Cường nhấn mạnh.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, xác định đến năm 2030, tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các tiêu chí về diện tích và dân số. Phát triển đô thị và nông thôn theo định hướng "làng trong phố, phố trong làng", kết hợp giữa bảo tồn các giá trị vốn có và phát triển bền vững.
TP.HCM tiếp tục là đô thị đặc biệt bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm: TP.Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). Quy hoạch cũng xác định triển khai quy hoạch, xây dựng không gian ngầm trên địa bàn trong quá trình quy hoạch đô thị.
Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm: khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi - Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Q.7 - Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển).
Bình luận (0)