TP.HCM hướng tới thành phố điện ảnh

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
14/04/2024 06:24 GMT+7

Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) do UBND TP.HCM tổ chức, Sở VH-TT TP.HCM phối hợp một số đơn vị thực hiện, đã khép lại sau 8 ngày diễn ra sôi động, góp phần xây dựng hình ảnh TP.HCM, hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có việc tạo nên một 'thành phố điện ảnh'.

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng khi gửi thư đọc trong lễ khai mạc HIFF 2024 đã khẳng định: "Điện ảnh - một lĩnh vực nghệ thuật đặc sắc, là cầu nối văn hóa quan trọng giữa các quốc gia. Điện ảnh vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và văn hóa, mở ra cánh cửa giao lưu, chia sẻ những câu chuyện, ý tưởng và cảm xúc đến từ mọi nơi trên thế giới. HIFF 2024 được tổ chức là minh chứng cho tiềm năng và sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật điện ảnh của nhiều quốc gia, trong đó có VN".

Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp điện ảnh

Trước đó, ngày 5.4, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì buổi làm việc về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn TP.HCM. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị TP.HCM nhanh chóng xây dựng đề án Thành phố sáng tạo để hòa vào mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) với định hướng TP.HCM trở thành "Thành phố điện ảnh", bên cạnh Hà Nội đã trở thành "Thành phố thiết kế sáng tạo" vào năm 2019, Đà Lạt là "Thành phố sáng tạo âm nhạc" và Hội An là "Thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian" (cùng được công nhận vào năm 2023).

Khán giả xem phim ngoài trời ở Công viên điện ảnh Cine Park ngay bờ sông Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) trong khuôn khổ LHP Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024

Khán giả xem phim ngoài trời ở Công viên điện ảnh Cine Park ngay bờ sông Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) trong khuôn khổ LHP Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất năm 2024

P.C.T

"Thành phố điện ảnh" là khái niệm nói đến sự kết nối giữa địa phương và nền công nghiệp điện ảnh, như nhiều "Film City" trên thế giới được công chúng biết đến: Los Angeles (Mỹ), Cannes (Pháp), Mumbai (Ấn Độ), Busan (Hàn Quốc), Rome (Ý), Sydney (Úc)... Với vị thế là trung tâm văn hóa - kinh tế quan trọng của cả nước, TP.HCM đã ban hành chiến lược phát triển đến năm 2030, trong đó có chiến lược phát triển công nghiệp điện ảnh, xây dựng "Thành phố điện ảnh".

Nhận định về công nghiệp điện ảnh của TP.HCM, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo HIFF 2024, cho biết: "TP.HCM được xem là thị trường sản xuất và phát hành phim lớn của cả nước, với số lượng nhà làm phim lớn. Tiếp nối mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện ảnh mà Chính phủ đã đề ra, UBND TP.HCM đã ban hành Đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, trong đó ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là 1 trong 8 ngành trọng tâm, với mục tiêu đề ra về chỉ số tốc độ phát triển trung bình khoảng 12%/năm, đạt trên 5.000 tỉ đồng (trong đó phim VN đạt khoảng 30% doanh thu), đóng góp khoảng 0,4% GRDP vào năm 2025.

Phát triển điện ảnh không chỉ đem lại lợi ích tài chính, mà còn là cội rễ văn hóa. Nền điện ảnh mạnh sẽ tạo tác động kép, góp phần xây dựng KT-XH, tạo dựng uy tín về giá trị tốt đẹp cho TP.HCM và cả VN. Muốn điện ảnh phát triển, TP.HCM phải đầu tư nghiêm túc, tiếp cận và khai thác tiềm năng sẵn có. HIFF được tổ chức với mong muốn tăng cường thu hút các hoạt động xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện ảnh nói riêng và ngành công nghiệp văn hóa nói chung, đóng góp vào phát triển KT-XH cho TP.HCM".

Khán giả tham dự một hoạt động ra mắt phim tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM)

Khán giả tham dự một hoạt động ra mắt phim tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM)

LT

Báo cáo của bà Ngô Thị Bích Hạnh, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Công ty BHD (hãng phim Việt) tại buổi tọa đàm Phát triển điện ảnh TP.HCM trong khuôn khổ HIFF, có nêu: "Năm 2023, VN có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia, trong khi dân số Indonesia là 277 triệu dân so với 100 triệu dân số VN), cao hơn 2,5 lần so với doanh thu phòng vé Thái Lan - quốc gia có nền điện ảnh phát triển trong khu vực. Thị trường điện ảnh VN đang tăng trưởng mạnh mẽ với bình quân tăng trưởng đạt 21%/năm giai đoạn trước Covid-19, là một trong những thị trường tiềm năng có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2022 - 2023".

TS Trương Minh Huy Vũ (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cũng thống kê: "VN có số phim nội địa ăn khách chiếm tỷ lệ lớn ở phòng vé, và thị trường TP.HCM là nơi có lượng khán giả đến rạp xem đông nhất cả nước với 56 cụm rạp chiếu phim. TP.HCM hiện có 819 cơ sở hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh, chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với 817 cơ sở (chiếm 99,75%). Đối với cơ sở sản xuất phim, hiện nay TP.HCM có trên 100 cơ sở đăng ký và sản xuất phát hành phim, trong đó có khoảng 30 cơ sở hoạt động thường xuyên".

Chính vì thế, lãnh đạo TP.HCM xác định ngành điện ảnh TP.HCM trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển với sự đầu tư ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào ngành điện ảnh, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hãng phim tư nhân với các dịch vụ đi kèm của ngành điện ảnh.

TẠO ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT PHIM, HUY ĐỘNG NHIỀU NGUỒN LỰC

NSND Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: "TP.HCM đang trong quá trình xây dựng báo cáo kỳ 2, điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030. Trong đó đã xác định: để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, thời gian tới sẽ bổ sung vào quy hoạch tổng thể TP.HCM các vị trí để phát triển ngành công nghiệp văn hóa; trong đó có các dịch vụ phục vụ hoạt động điện ảnh như phim trường, cơ sở vật chất phục vụ sản xuất phim; trung tâm phức hợp bao gồm hệ thống rạp chiếu phim, nhà hát, khu vực dịch vụ…

TP.HCM là thị trường lớn về sản xuất, phát hành phim của cả nước

TP.HCM là thị trường lớn về sản xuất, phát hành phim của cả nước

Nhật Thịnh

Theo định hướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể, TP.HCM sẽ kiến tạo những không gian mới, phát triển theo mô hình đa trung tâm. Khi đó, sẽ xây dựng những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ TP.HCM như phát triển về hướng Củ Chi, Cần Giờ, quy hoạch khu Bình Quới - Thanh Đa thành trung tâm dịch vụ văn hóa gồm: bảo tàng (trong đó có bảo tàng điện ảnh), nhà hát, trung tâm biểu diễn… xứng tầm trong thời gian tới. Sở VH-TT đang phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ngành liên quan tham mưu đề xuất cụ thể những nội dung liên quan đưa vào quy hoạch chung của TP.HCM, làm cơ sở để triển khai thực hiện".

Về chính sách đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, bên cạnh nguồn vốn ngân sách thành phố, hiện nay TP.HCM được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội là: "Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…". Ngày 8.12.2023, HĐND TP.HCM cũng đã ban hành Nghị quyết số 181 về danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, trong đó ngành VH-TT của TP.HCM có 23 dự án. Tất cả đã mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của TP.HCM trong thời gian tới.

Để phát triển cơ sở vật chất nền cho văn hóa, TP.HCM có lộ trình cụ thể, và lãnh đạo TP.HCM đã định hướng xây dựng các trung tâm phức hợp điện ảnh, phim trường... Bán đảo Thanh Đa sắp tới sẽ trở thành trung tâm phim trường lớn của TP.HCM, bên cạnh việc xây dựng phim trường hiện đại rộng hàng trăm héc ta tại Củ Chi để giải quyết bài toán trầm kha về trường quay, ngoài là nơi sản xuất phim còn phục vụ du lịch, giải trí...

TP.HCM đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phim thực hiện các phim đề tài lịch sử, chính trị, cách mạng, có giá trị tích cực, ví dụ như phim Địa đạo quay ở Củ Chi vừa qua của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Lãnh đạo TP.HCM cũng đã tiếp thu các ý kiến về những khó khăn của giới làm phim để sớm cụ thể hóa chính sách xã hội hóa điện ảnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật để góp phần tạo ra nguồn lực mạnh, nâng cao chất lượng nền điện ảnh TP.HCM; các chính sách ưu đãi cần có về thuế, cơ chế khuyến khích đầu tư về điện ảnh (sản xuất, phát hành, dịch vụ); tinh gọn các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, duyệt phim, tổ chức đoàn quay phim nơi công cộng...

NSND Thanh Thúy chia sẻ thêm: "Sau khi Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM 2024 khép lại, Sở VH-TT TP.HCM sẽ phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, tham mưu UBND TP.HCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và thể thao, nhằm kêu gọi nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các dự án".

Cần đào tạo và thu hút nguồn nhân lực điện ảnh giỏi

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Quyết định số 1395 ngày 16.4.2021 của Bộ VH-TT-DL phê duyệt kế hoạch xây dựng đề án phát triển mạng lưới Thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN), trong đó TP.HCM đề xuất năm 2025 trở thành Thành phố sáng tạo về điện ảnh. Vì vậy, TP.HCM cần sớm xây dựng kế hoạch và lập hồ sơ ứng cử UCCN. Qua đó, tạo sự cam kết, thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực điện ảnh bằng những sáng kiến và kế hoạch hành động cụ thể. Nội dung chính bao gồm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực hoạt động trên lĩnh vực điện ảnh. Cần có kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính dẫn dắt trên lĩnh vực điện ảnh từ đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên, kinh doanh điện ảnh... Để từ đó, xây dựng nên các thế hệ làm điện ảnh chuyên nghiệp, đáp ứng và cạnh tranh với thị trường điện ảnh thế giới.

Ngoài ra là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư trên lĩnh vực văn hóa và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển các cụm rạp chiếu phim, tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại. Quy hoạch, bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng tổ hợp vui chơi, giải trí, phim trường đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Tối 13.4, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra lễ bế mạc và trao giải LHP Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất. Một số giải đáng chú ý gồm:

- Phim Đông Nam Á xuất sắc nhất: Phúc âm thư của quái thú của Philippines với cúp Ngôi sao vàng HIFF 2024.

- Phim ngắn xuất sắc: Chuyện nàng Leila của Thụy Điển.

- Phim do Hội đồng BGK bình chọn: Đêm tối trước bình minh do Singapore - Nhật Bản - Slovenia sản xuất (Phim Đông Nam Á) và Trò chơi kỳ lạ của Argentina (Phim ngắn).

- Giải Phim TP.HCM: Song lang của đạo diễn Leon Lê (VN)

- Các giải cá nhân xuất sắc nhất: Đạo diễn Chee Sum Chia của phim Những nấc thang sẻ chia, Quay phim: Hedeho Urata của Singapore trong phim Đêm tối trước bình minh, Kỹ xảo hình ảnh: Laokoon VFX trong Đêm tối trước bình minh...

- Nam diễn viên chính: Mark Lee trong phim Thiên đường; Nữ diễn viên chính: Tạ Thị Dịu trong phim Những nấc thang sẻ chia (của Malaysia, Singapore, Pháp). Nam diễn viên phụ: Peter Yu của phim Thiên đường; Nữ diễn viên phụ: Rawipa Srisanguan của phim Nơi sóng không vỗ bờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.