Văn bản 5907 của Sở Tài chính TP.HCM về việc lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập mới đây đã được gửi tới các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện. Từ đây, nhiều trường công lập được tháo gỡ những băn khoăn về việc tổ chức căn tin, bãi giữ xe, bếp ăn...
Trong văn bản trên, Sở Tài chính TP.HCM nêu các nội dung quan trọng: "Các đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn các đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động phụ trợ (giữ xe, căn tin...) phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Trường hợp đơn vị thực hiện đấu giá cho thuê (tài sản công không sử dụng hết công suất và đáp ứng 8 yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 luật Quản lý, sử dụng tài sản công) thì phải lập đề án; báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định".
Như vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn các đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động phụ trợ (giữ xe, căn tin...) phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thì không cần phải lập đề án.
Sở Tài chính TP.HCM cũng cho biết hiện đã tiếp nhận và có ý kiến đối với 745/745 đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê của đơn vị sự nghiệp công lập (đa số các đề án của các đơn vị đều nhằm mục đích làm căn tin, bãi giữ xe phục vụ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ công và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... tại đơn vị), gửi về đơn vị để nghiên cứu thực hiện. Đến nay, có 5 đề án được UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
Sở Tài chính TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (đơn vị đã lập đề án và nhận được ý kiến góp ý của Sở Tài chính) rà soát, tiếp tục thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện.
Cụ thể, trường hợp tự tổ chức thực hiện hoặc đấu thầu lựa chọn các đơn vị có chức năng thực hiện các hoạt động phụ trợ (giữ xe, căn tin...) phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị: đề nghị đơn vị báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện, gửi về cơ quan quản lý cấp trên (các sở, ban, ngành, UBND các quận, quyện) tổng hợp, gửi về Sở Tài chính để theo dõi, tổng hợp và báo cáo UBND thành phố khi có yêu cầu.
"Trường hợp tiếp tục thực hiện đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê: đề nghị đơn vị căn cứ cơ sở pháp lý, đề cương chi tiết khi xây dựng đề án của Sở Tài chính lập và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của Sở Tài chính để chỉnh lý, hoàn thiện đề án (cần nêu rõ nội dung nào tiếp thu và đã chỉnh sửa trong đề án; nội dung nào không tiếp thu, giải trình cụ thể lý do,…); có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên xem xét, có ý kiến để trình UBND thành phố xem xét, quyết định", Sở Tài chính TP.HCM nêu ý kiến.
Trước đó, ngày 15.8, Văn phòng UBND TP.HCM đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Dũng về việc phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công trên địa bàn thành phố, trong đó có căn tin, bãi giữ xe trường học.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đã kết luận và chỉ đạo: "Các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục duy trì hoạt động giữ xe, căn tin theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 9757/BTC-QLCS ngày 26.9.2022; việc đấu thầu phải được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm".
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng giao Sở Tài chính tổ chức, thực hiện rà soát, kiểm tra lại các Đề án do các đơn vị sự nghiệp công lập đã gửi lấy ý kiến thẩm định của Sở Tài chính và Sở Tài chính đã có ý kiến góp ý thẩm định, nhưng đến nay đơn vị vẫn chưa hoàn chỉnh Đề án để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngày 26.9.2022, Bộ Tài chính cũng có Công văn số 9757/BTC-QLCS nêu ý kiến hướng dẫn về việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó:
- Trường hợp đơn vị sử dụng mặt bằng làm căn tin, bãi giữ xe để phục vụ hoạt động của đơn vị thì không thuộc trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định tại Điều 56, 57, 58 của luật Quản lý, sử dụng tài sản công và không phải lập đề án.
- Trường hợp tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập đã được Nhà nước giao, đầu tư, xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị nhưng trong quá trình sử dụng không sử dụng hết công suất và đáp ứng 8 yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì đơn vị được sử dụng tài sản đó vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và phải lập đề án; báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngày 1.2.2024, Bộ Tài chính có Công văn số 1347/BTC-NSNN về tham gia ý kiến về đề nghị xây dựng Nghị định phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM; trong đó có nội dung:
"Các vấn đề như báo cáo của UBND TP.HCM chủ yếu liên quan đến việc các đơn vị sử dụng tài sản làm căn tin, bãi giữ xe phục vụ nhu cầu của người dân khi sử dụng dịch vụ công và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… tại đơn vị. Đối với nội dung này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (hiện đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, ban hành tại Tờ trình số 182/TTr-BTC ngày 17/8/2023) đã bổ sung quy định để phân định rõ các trường hợp phải lập đề án và các trường hợp không phải lập đề án.
Theo đó, trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng tài sản công để phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị (như cung cấp dịch vụ ăn uống, trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác…) thì đơn vị không phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Bình luận (0)