'TP.HCM không đặt ra quy định để thu phí tất cả vỉa hè'

08/04/2024 16:05 GMT+7

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm khi trao đổi với Thanh Niên về mục đích, cách tổ chức vận hành đề án sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.

'TP.HCM không đặt ra quy định để thu phí tất cả vỉa hè'- Ảnh 1.

Hầu hết các vỉa hè tại TP.HCM đều đang bị chiếm dụng để kinh doanh, buôn bán

NHẬT THỊNH

100% vỉa hè dành cho người đi bộ

Như Thanh Niên đã đưa tin, UBND Q.1, Q.10 và Q.11 đã hoàn thành khảo sát và gửi Sở GTVT TP.HCM danh mục các tuyến đường có vỉa hè rộng, đủ điều kiện để sử dụng tạm thời một phần hè phố ngoài mục đích giao thông trên địa bàn quận.

Theo đó, tại Q.1, có 52 tuyến vỉa hè đủ điều kiện sử dụng một phần tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và 12 tuyến cho giữ xe có thu phí. Đây là những đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên, trong đó diện tích kinh doanh, buôn bán sẽ bố trí ở phía nhà dân. Tại Q.10, địa phương cũng rà soát và đề xuất danh mục 28 đường có hè phố rộng từ 3m trở lên đủ điều kiện cho sử dụng một phần tổ chức các hoạt động ngoài giao thông có thu phí. Tương tự, Q.11 cũng có 17 tuyến đường vỉa hè rộng, được đưa vào danh mục có thể tổ chức hoạt động giữ xe hai bánh không thu tiền dịch vụ và một tuyến cho giữ xe có thu tiền.

Hơn 100 tuyến đường đủ điều kiện thu phí vỉa hè tại TP.HCM

Chừng nào TP.HCM có những khu đô thị hiện đại mới có thể "đòi" hết vỉa hè, đường phố lại cho giao thông. Cấu tạo đô thị thành phố hiện nay nhiều hẻm nhỏ, cấu phần kinh tế ở và kinh doanh hỗn hợp, nhu cầu buôn bán lề đường, lòng đường, vỉa hè để mưu sinh còn cao, không thể cấm nổi. Vì thế, chưa thể "gạt trắng" hết vỉa hè được. Cách tốt nhất là sắp xếp, đưa vào quy củ dựa trên sự đồng thuận từ ít nhất 70 - 80% của xã hội.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm

Có thể thấy, "mẫu số chung" cho các tuyến đường, vỉa hè đủ điều kiện đưa vào danh mục thu phí là có vỉa hè rộng từ 3m trở lên. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết các tuyến đường được khảo sát phải đáp ứng các điều kiện, không phải cứ rộng hơn 3m thì đè ra kẻ vạch thu phí.

Cụ thể, về nguyên tắc, 100% vỉa hè là dành cho người đi bộ. Hiện nay, hầu hết phần vỉa hè trên các tuyến đường khắp thành phố bị chiếm dụng làm bãi giữ xe, làm hàng quán... là không đúng quy định. Trong khi đó, nhiều trường hợp người dân có nhu cầu sử dụng vỉa hè, khu vực đó đủ đảm bảo giao thông cho người đi bộ nhưng chính quyền cũng không có mức giá để cho thuê. Đề án sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè nhằm giải quyết bài toán nhu cầu thực tế này.

Theo đó, sẽ có những tuyến đường được phép để xe tự quản miễn phí, nhưng cũng có những khu vực muốn để xe, cá nhân hay tổ chức phải thuê lại. Các tuyến đường đủ điều kiện được sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè cho thuê, ngoài đáp ứng bề rộng hơn 3m thì phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ phải đảm bảo rộng tối thiểu 1,5m thông suốt liên tục (không tính phạm vi bồn gốc cây, ô đất trồng cây xanh và khu vực bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên hè phố chiếm dụng).

Đồng thời, phải đánh giá dựa trên tác động đến giao thông và thời gian sử dụng. Trường hợp quãng đường mà doanh nghiệp và người dân muốn thuê có ảnh hưởng tới những hộ lân cận thì người đề xuất thuê phải thống nhất với các hộ đó hoặc địa phương sẽ đứng ra tổ chức lấy ý kiến, tạo sự đồng thuận, hài hòa. 

"Không phải những tuyến đường có tên trong danh sách là ép tất cả phải thuê, cũng không phải muốn chỗ nào, thuê bao lâu cũng được. Thành phố không bày ra quy định để thu phí tất cả vỉa hè. Những trường hợp đụng đến lợi ích của nhiều hộ thì buộc phải tham vấn ý kiến, đồng thuận hết mới làm. Tất cả phải đảm bảo nguyên tắc sau khi quản lý, 100% lòng đường, hè phố phục vụ giao thông và dành cho người đi bộ" - ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Song song với việc lập danh mục các tuyến đường đủ điều kiện cho thuê một phần lòng đường, vỉa hè, Sở GTVT đã gửi văn bản đề nghị UBND TP.Thủ Đức, UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn quản lý.

Sau khi đã công bố danh mục tuyến đường đủ điều kiện, người dân sẽ đăng ký; quận, huyện duyệt phương án thì mới được phép sử dụng. Như vậy, vỉa hè mà không có phương án, không có trong danh mục sử dụng tạm thời thì toàn bộ phải dành cho người đi bộ. Nếu các hộ kinh doanh, tổ chức lấn chiếm vỉa hè, sử dụng khi chưa được cấp phép, chưa đóng tiền thuê, chưa có giấy phép thì địa phương phải xử lý vi phạm theo quy định.

'TP.HCM không đặt ra quy định để thu phí tất cả vỉa hè'- Ảnh 2.

Sau khi công bố danh mục tuyến đường đủ điều kiện, nếu các hộ kinh doanh, tổ chức lấn chiếm vỉa hè, sử dụng khi chưa được cấp phép thì địa phương phải xử lý vi phạm theo quy định

NHẬT THỊNH

 Cá nhân, tổ chức muốn thuê vỉa hè phải làm gì? 

Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT, khi cá nhân hoặc tổ chức muốn sử dụng tạm thời vỉa hè để làm việc gì đó như giữ xe hoặc quảng cáo, kinh doanh buôn bán thì phải xây dựng phương án, xin giấy phép, có mục đích, phạm vi và có thời gian cụ thể. Ngay cả khi đăng ký thì cũng sẽ có những trường hợp phải đóng tiền, có những trường hợp không đóng tiền.

"Chương trình không phải triển khai đồng bộ trên toàn thành phố. Trong đề án của thành phố cũng đã nêu rõ lộ trình, có thể thí điểm trước tại một số tuyến đường. Đơn cử, địa bàn Q.1 có 100 con đường, sau khảo sát, có 50 con đường cho phép để xe tự quản, 50 đường còn lại thì chọn 1 vài đường cho kinh doanh buôn bán hoặc cho để xe thu phí. Nếu doanh nghiệp hoặc người dân có nhà trên các tuyến đường tổ chức thu phí có nhu cầu thuê thì sẽ làm đơn xin phép thuê, nộp cùng phương án thuê đoạn dài bao nhiêu, trong thời gian bao lâu, để làm gì... Quận, huyện sau đó tiếp nhận đơn, tham vấn các đơn vị liên quan, đồng thuận thì ký hợp đồng, cấp phép cho thuê. Trong năm nay, Sở sẽ cùng các địa phương rà soát, lấy ý kiến các Sở, thống nhất danh sách rồi công bố rộng rãi để tất cả người dân có thể tra cứu minh bạch" - ông Trần Quang Lâm chỉ rõ.

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM quyết tâm "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ. Suốt gần 1 thập kỷ qua, đã có rất nhiều chiến dịch ra quân quyết liệt, nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tất cả người dân, song đâu lại vào đó, chỉ được "dăm bữa nửa tháng", người đi bộ lại phải bất lực nhường vỉa hè cho hàng quán, xe cộ.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm tự tin đề án mới này sẽ mang lại bước đột phá rất lớn trong công tác quản lý vỉa hè, lòng đường bởi đây là phương án khai thác không gian đường phố và đô thị bắt nguồn từ nhu cầu thực tế, có sự đồng thuận của xã hội. Không phải quản lý hành chính đưa ra chính sách rồi bắt theo. 

Bởi có những nhu cầu thực tế của xã hội không ngăn cấm được. Nếu không ảnh hưởng tới cộng đồng mà phù hợp thì cơ quan quản lý sẽ xây dựng chính sách đi theo điều đó để chuẩn hóa, đưa vào khuôn khổ. Vỉa hè cũng gần như vậy, chừng nào TP.HCM có những khu đô thị hiện đại mới có thể "đòi" hết vỉa hè, đường phố lại cho giao thông. Cấu tạo đô thị thành phố hiện nay nhiều hẻm nhỏ, cấu phần kinh tế ở và kinh doanh hỗn hợp, nhu cầu buôn bán lề đường, lòng đường, vỉa hè để mưu sinh còn cao. không thể cấm nổi. Vì thế, chưa thể "gạt trắng" hết vỉa hè được. Cách tốt nhất là sắp xếp, đưa vào quy củ dựa trên sự đồng thuận từ ít nhất 70 - 80% của xã hội. 

"Sau khi chính thức thực hiện, bộ mặt đô thị, lòng đường hè phố sẽ có sự sắp xếp mạch lạc. Tự người dân sẽ giám sát nhau và dần dần sẽ theo hướng quy củ theo quy định của pháp luật. Vỉa hè đã được sắp xếp lại, đưa vào khuôn khổ; phường, khu phố đứng ra thu tiền theo đúng pháp luật và người dân cũng sẽ được quyền đồng thuận, giám sát" - ông Trần Quang Lâm nói.







Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.