TP.HCM kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu về 3-5 ngày

Nguyên Nga
Nguyên Nga
22/11/2022 08:03 GMT+7

Rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu còn từ 3 - 5 ngày, thương nhân chia sẻ lợi nhuận, đảm bảo chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít cho cây xăng lẻ… là một số giải pháp UBND TP.HCM kiến nghị lên Thủ tướng ngày 21.11.

Ngày 21.11, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đảm bảo cung ứng xăng dầu.

Theo UBND TP.HCM, từ ngày 1.10 đến nay, trung bình mỗi ngày có từ 9 - 20% trong tổng số 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố thiếu hụt tạm thời mặt hàng xăng. Lý do khách quan do thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì bị thua lỗ.

UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm số ngày trong chu kỳ điều chỉnh giá từ 10 ngày xuống 3 - 5 ngày

NGỌC DƯƠNG

Để khắc phục tình trạng thua lỗ, không nhập hàng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng dầu.

Cụ thể, thực hiện thời gian điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng và không áp dụng lùi sang ngày làm việc tiếp theo nếu các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ để hạn chế tác động đến cung cầu trên thị trường.

Kiến nghị có giải pháp điều hành giá theo biên độ giá xăng dầu tăng/giảm phù hợp với thị trường; rút ngắn kỳ điều chỉnh giá xăng dầu còn từ 3 - 5 ngày (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày.

Đồng thời, TP.HCM đề xuất Thủ tướng chấp thuận cho Bộ Công thương, Bộ Tài chính trong trường hợp cần thiết (giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân... ) được chủ động trong việc quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp.

Theo UBND TP.HCM, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức áp dụng để tính giá cơ sở xăng dầu có từ năm 2014, không còn phù hợp với hiện tại. Để các thương nhân đầu mối, doanh nghiệp không bị lỗ kéo dài, UBND TP.HCM kiến nghị tính toán lại chi phí trong tính giá cơ sở xăng dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, đồng thời xem xét nâng tỉ trọng sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu để tính giá cơ sở.

UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn lợi nhuận cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Trong đó, đảm bảo mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít để các cửa hàng có thể duy trì hoạt động.

Tính đến 14.11, TP.HCM có 15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, 61 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 32 đại lý và 549 cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.