Đến dự có nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải; Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cùng các mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức và người dân TP.
Theo ông Lê Hoàng Quân, sau 38 năm thống nhất đất nước, nhất là 27 năm thực hiện đường lối đổi mới, TP.HCM đã trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giao lưu quốc tế của khu vực và của cả nước.
TP.HCM đã đóng góp ngày càng lớn vào quá trình tăng trưởng kinh tế đất nước (chiếm hơn 20% GDP và 1/3 ngân sách của cả nước).
Năm 2012, mặc dù bị tác động và ảnh hưởng xấu của kinh tế thế giới, kinh tế TP.HCM tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thử thách; tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, TP.HCM đã đạt và vượt 25/30 chỉ tiêu, hoàn thành đưa vào sử dụng 185 công trình hạ tầng kỹ thuật và giao thông, 2.096 phòng học, 50 trạm xử lý nước thải y tế…; góp phần cùng cả nước kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng phù hợp.
Những tháng đầu năm 2013, tình hình kinh tế TP.HCM có bước hồi phục, tổng sản phẩm nội địa tăng 7,6% so cùng kỳ. Các dự án giao thông lớn được tập trung triển khai như tuyến metro số 1 (Suối Tiên - Bến Thành), mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc 2, đường vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất - Vành đai ngoài, các cầu vượt bằng thép, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát, các công trình chống ngập.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Quân cho biết, TP.HCM tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, thực hiện các giải pháp giảm hàng tồn kho, nợ xấu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp tính chất đô thị đặc biệt…
Dịp này, có 2 tập thể: Tiểu đoàn quyết tử 950 (đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn cũ); cán bộ, chiến sĩ, nhân dân phường 11, quận Tân Bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm cá nhân: Gia đình liệt sĩ Phan Nhung (nguyên Thành ủy viên TP.Sài Gòn - Gia Định), gia đình đồng chí Nguyễn Thị Lan (Tiểu đoàn quyết tử 950), gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Phượng (nguyên cán bộ ủy viên Ban chấp hành Hội phụ nữ huyện Duyên hải, tỉnh Đồng Nai; nay là huyện Cần Giờ, TP.HCM), gia đình liệt sĩ Nguyễn Công Bao và gia đình liệt sĩ Phạm Văn Tiềm (Đoàn 10 đặc công Rừng Sác) cũng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sáng cùng ngày, lãnh đạo TP.HCM đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đền Bến Dược (H.Củ Chi) và Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM
Đình Phú
>> Kỷ niệm 50 năm thành lập Đài phát thanh Giải phóng
>> Míttinh kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng Trường Sa
Bình luận (0)