Ngày 3.12, tin từ Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (đơn vị thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), đơn vị đã thành lập tổ theo dõi nắm bắt nhanh tình hình cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Ông Hoàng Văn Thắng, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, làm tổ trưởng.
Giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc tại Công ty TNHH Việt Nam Samho (H.Củ Chi) |
LÊ HUỲNH |
Tổ theo dõi sẽ nắm bắt nhanh tình hình cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, mời gọi các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng để kết nối việc làm cho người lao động bị mất việc.
Đồng thời, phối hợp Phòng bảo hiểm thất nghiệp và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm để tư vấn hỗ trợ học nghề, hướng dẫn chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
TP.HCM đang hỗ trợ việc làm cho người lao động bị mất việc như thế nào? |
Trong 10 tháng đầu năm 2022, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM đã tiếp nhận 128.647 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, tăng 27% so với 10 tháng năm 2021 (101.365 hồ sơ). Dự kiến, cả năm 2022, Trung tâm sẽ tiếp nhận khoảng 150.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
50.000 người lao động bị ảnh hưởng, thu nhập giảm sâu
Vấn đề cắt giảm lao động tại TP.HCM thời gian qua được dư luận quan tâm. Do biến động của thị trường quốc tế, những doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là ở lĩnh vực dệt may - giày da, bị ảnh hưởng mạnh, không có đơn hàng mới hoặc giảm đơn hàng.
Tại TP.HCM, thống kê của Liên đoàn Lao động TP.HCM đến giữa tháng 11 cho thấy, có 155 doanh nghiệp với hơn 50.000 người lao động bị ảnh hưởng, thu nhập bị giảm sâu.
Hôm qua (2.12), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (VCCI TP.HCM) tổ chức tọa đàm về tình hình sản xuất kinh doanh và lao động việc làm ở TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai với sự tham gia của các Sở LĐ-TB-XH, Liên đoàn Lao động, hiệp hội và doanh nghiệp của 3 tỉnh, thành.
Tại tọa đàm này, ông Ngô Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH cho hay, việc cắt giảm lao động có thể diễn ra cục bộ ở một số ngành, một số địa phương chứ không phải trên diện rộng. Tuy nhiên, vì biến động khó lường của thị trường, đây có thể chỉ là khó khăn bước đầu và tình hình có thể tồi tệ hơn trong quý I, quý II năm 2023. Ông Ngô Hoàng ghi nhận, báo cáo các kiến nghị của các đơn vị cho Bộ LĐ-TB-XH và Chính phủ; đồng thời đề nghị các địa phương với các quy định pháp lý có thể ban hành những gói hỗ trợ hay giải pháp xử lý đặc thù vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bình luận (0)