TP.HCM lên kế hoạch di dời trụ sở, cơ quan, nhà dân ra khỏi công viên

14/01/2021 11:56 GMT+7

Sở Xây dựng sẽ thành lập tổ liên ngành kiểm tra tình trạng xây dựng, lấn chiếm trong công viên rồi đề xuất UBND TP.HCM di dời các trụ sở, cơ quan, nhà dân ra khỏi công viên.

Sở Xây dựng vừa trình UBND TP.HCM chương trình phát triển công viên và cây xanh giai đoạn 2021 - 2030 và một số nhiệm vụ triển khai trong năm 2021.
Theo thống kê đến cuối năm 2019, TP.HCM có 405 công viên với diện tích 508 ha bao gồm công viên công cộng và công viên trong khu ở, chỉ tiêu đất công viên công cộng đạt 0,55m2/người. Dù vậy, các công viên tập trung chủ yếu ở 13 quận nội thành cũ (251 ha) và 6 quận mới (197 ha), trong khi 5 huyện ngoại thành chỉ có hơn 59 ha.
Tỷ lệ đất công viên bình quân đầu người khu vực ngoại thành chỉ bằng một nửa khu vực nội thành; các quận huyện như: 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi chưa có một công viên diện tích lớn nào.

Công viên ngoại thành chỉ nằm trên giấy

Dù vậy, trong các đồ án quy hoạch xây dựng của TP.HCM, diện tích đất công viên công cộng khu vực ngoại thành lại lên đến 6.759 ha, chiếm 59% diện tích công viên toàn thành phố, trong khi 13 quận nội thành cũ chỉ có hơn 954 ha (tương đương 8,4%).
Điều này dẫn đến nghịch lý đất quy hoạch công viên khu vực ngoại thành thì nhiều nhưng chỉ... nằm trên giấy vì không thể kêu gọi đầu tư, nhiều dự án công viên “treo” hàng chục năm khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng.

Phần lớn công viên ở TP.HCM chỉ tập trung ở khu vực nội thành

Ảnh: Ngọc Dương

Về nguyên nhân, Sở Xây dựng TP.HCM chỉ ra rằng đa phần nguồn gốc đất quy hoạch xây dựng công viên đều là đất của người dân dẫn đến chi phí đầu tư cao, thời gian thực hiện kéo dài, nhất là các công viên có diện tích lớn.
Trong 7 năm qua, TP.HCM chỉ xây dựng mới được hơn 10,7 ha công viên, tương đương 1,54 ha/năm. Với tốc độ này, TP.HCM sẽ mất rất nhiều thời gian để phủ xanh khoảng 10.000 ha đất công viên còn lại. Có một thực tế khó hiểu là việc kêu gọi đầu tư công viên rấy khó khăn nhưng tình trạng điều chỉnh đất công viên thành đất thương mại, đất dân cư xây dựng vẫn còn diễn ra phổ biến.
Đối với các công viên hiện hữu, nhiều công viên vẫn còn tồn tại tình trạng lấn chiếm kinh doanh, khai thác dưới nhiều hình thức như công viên 23 Tháng 9 (Q.1), công viên Phú Lâm (Q.6), công viên Gia Định (Q.Phú Nhuận),...

Rà soát cho thuê mặt bằng trong công viên

Theo chương trình phát triển cây xanh, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất trong giai đoạn 2020 - 2025 sẽ tăng thêm ít nhất 150 ha đất công viên và 10 ha mảng xanh công cộng, trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh, toàn bộ tuyến đường có vỉa hè ổn định rộng trên 3 m và có điều kiện phù hợp sẽ được trồng cây xanh. Trong giai đoạn 2026 - 2030, đất công viên tăng thêm 450 ha và 10 ha mảng xanh công cộng, trồng thêm 50.000 cây xanh.
Để thực hiện mục tiêu trên, Sở Xây dựng TP.HCM đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó về quy hoạch sẽ rà soát, cập nhật nguồn gốc đất quy hoạch công viên trong các đồ án để lập dự án hoặc kêu gọi đầu tư; thu hồi việc sử dụng, cho thuê đấy công được quy hoạch là đất công viên để đầu tư xây dựng công viên. Đồng thời, hạn chế việc điều chỉnh, điều chuyển đất công viên công cộng; tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ việc thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch đất công viên cây xanh. 

TP.HCM dự kiến trồng thêm 30.000 cây xanh trong 5 năm tới

Ảnh: Sỹ Đông

Đối với các công viên hiện hữu, trong năm 2021 cần phải phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng mặt bằng tổng đối với các công viên lớn, nằm ở khu vực trung tâm làm cơ sở xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, kêu gọi đầu tư cũng như đấu giá các dịch vụ khai thác trong công viên, thu hồi những phần khai thác không đúng chức năng.
Theo kế hoạch tổ chức thực hiện, Sở Xây dựng sẽ thành lập tổ liên ngành kiểm tra tình trạng xây dựng, lấn chiếm trong công viên rồi đề xuất UBND TP.HCM di dời các trụ sở, cơ quan, nhà dân ra khỏi công viên. Thanh tra TP.HCM tổ chức kiểm tra toàn diện quy trình, pháp lý, thu chi tài chính của các hoạt động khai thác, sử dụng mặt bằng, nâng cấp công viên thời gian qua. Sở TN-MT rà soát các hợp đồng cho thuê quy hoạch đất công viên cây xanh để thu hồi, đầu tư xây dựng.
Trong năm 2021, Sở Xây dựng TP.HCM dự kiến hoàn thành một số dự án như: công viên P.Phú Hữu (Q.9), công viên Cây Sộp (Q.12), công viên Rạch Tra (H.Hóc Môn), công viên rạch Cả Cấm (Q.7), cải tạo cảnh quan dọc kênh đường Trần Xuân Soạn (Q.7)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.