Thú cưng của người này, nỗi khổ của người khác
Nhu cầu nuôi chó, mèo làm cảnh đang được nhiều người quan tâm, nhưng tranh cãi về cách người nuôi quản lý thú cưng dường như vẫn chưa có hồi kết. Chị P.N.T, ngụ tại chung cư Akira (Q.Bình Tân, TP.HCM), không thể quên được nỗi ám ảnh vào đúng ngày tết. "Đúng ngày mùng 1 tết, tôi đang giữ thanh tịnh và tâm hồn thư thái cho ngày đầu năm mới thì đến buổi tối hôm đó, tôi về lại căn hộ của mình và phát hiện mùi hôi thối của thú nuôi ở căn hộ tầng dưới.
Quy định của chung cư không cho phép nuôi chó nhưng họ lén nuôi và không giữ vệ sinh đàng hoàng, khiến mùi hôi bốc lên căn tôi ở. Tôi đã 4 lần gọi bảo vệ lên làm việc nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được vì ban quản lý nghỉ tết. Suốt mấy ngày nghỉ tôi phải chịu cảnh mùi hôi bao phủ toàn bộ khu vực lô gia, ám mùi vào quần áo phơi, ám vào nhà bếp và bay vào phòng ngủ, phòng khách. Chưa kể tiếng chó sủa mỗi đêm không thể nào ngủ được".
Chị Nguyễn Thị Ngoan, ở P.Long Thạnh Mỹ (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cũng chia sẻ: "Khu chung cư tôi ở có khuôn viên rất rộng, mỗi buổi chiều cư dân đi tập thể dục rất đông, nhưng không ít người dẫn theo chó đi dạo, thỉnh thoảng lại ị bậy và thả chạy rông khắp nơi. Số đông cư dân đã phản ánh tình trạng này, nhưng không thể nào cấm hết được".
Đề xuất nuôi chó, mèo ở TP.HCM phải đăng ký, kê khai trong 3 ngày
Nỗi khổ khi sống chung với các hộ nuôi chó, mèo thiếu ý thức là "câu chuyện dài nhiều tập" không thể nào liệt kê hết được. Theo khảo sát của PV Thanh Niên, đa số người đang sống trong khu căn hộ đều khó chịu khi đi chung thang máy với những chú chó to tướng, hung dữ. Bên cạnh đó là tiếng chó sủa mỗi đêm khiến cho nhiều người mất ngủ.
Về phía những người nuôi thú cưng, tâm trạng cũng không mấy thoải mái khi thường xuyên bị kỳ thị, nghi ngại. Chị N.D.Y, ngụ tại Q.Tân Bình (TP.HCM), chia sẻ: "Tôi có sở thích nuôi chó kiểng và đang nuôi một con Fox sóc khá nhỏ, tuy nhiên khi tôi đổi sang căn hộ mới, đi tìm khắp nơi nhưng chỗ nào cũng cấm nuôi chó. Đó là quy định chung nhưng nhiều nhân viên môi giới vẫn nói nhỏ rằng có thể nuôi lén. Nhưng mà như vậy chẳng khác nào làm điều sai trái, bị người khác nhìn khó chịu hoặc có khi họ âm thầm báo cáo ban quản lý. Đó là lý do tôi muốn chuyển chỗ ở mấy lần nhưng vẫn chưa thực hiện được".
Một số trường hợp cá biệt như hộ dân trên đường Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM), nuôi gần cả trăm con chó, gây ô nhiễm, ồn ào, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh và vài chục hộ dân đã đồng loạt ký đơn phản ánh tình trạng này đến UBND phường nhưng vụ việc suốt nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Giải pháp nào để quản lý
Theo thống kê của Sở NN-PTNT TP.HCM, hiện ở thành phố có hơn 184.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 105.000 hộ, trong đó có khoảng 34% nuôi ở khu vực 5 huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ). Về phân loại, chó lai chiếm 15,8% tổng đàn, chó ngoại chiếm 14%, còn lại là chó ta. Sở NN-PTNT nhìn nhận thực tế hiện nay có nhiều trường hợp nuôi chó gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, vệ sinh nơi công cộng, chó chạy ra đường gây tai nạn giao thông. Ngoài ra, chó nuôi cũng là nguồn lây lan nhiều dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 22.3, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, khẳng định: "Qua nhiều trường hợp nảy sinh trong thực tế, thực trạng hiện nay tại TP.HCM xảy ra nhiều trường hợp nuôi chó, mèo với số lượng lớn, gây ảnh hưởng đến môi trường và các hộ dân xung quanh, điển hình như vụ việc ở Q.4. Tuy nhiên, sau khi rà soát các quy định thì chưa có bất cứ một văn bản pháp quy nào để quản lý hoạt động này. Chính vì vậy mà chính quyền địa phương khó xử lý được dứt điểm. Từ đó Sở NN-PTNT xây dựng quy định quản lý việc nuôi chó, mèo trong đô thị để trình UBND TP.HCM xem xét về chủ trương".
Hơn 9.500 người tiêm ngừa bệnh dại mỗi tháng ở TP.HCM
Trong tờ trình, Sở NN-PTNT chia quy mô nuôi theo 3 mức: nuôi nhỏ (dưới 10 con chó hoặc dưới 20 con mèo); nuôi vừa (từ 10 - 50 con chó hoặc nuôi từ 20 - 100 con mèo) và nuôi lớn (từ 50 con chó hoặc từ 100 con mèo trở lên). Trong trường hợp hộ dân vừa nuôi chó và mèo thì tính 1 con chó tương đương 2 con mèo.
Về trách nhiệm của chủ vật nuôi, Sở NN-PTNT đề xuất người dân phải đăng ký và kê khai việc nuôi chó, mèo với UBND phường, xã. Đồng thời, khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan đến vật nuôi ở mức độ cá thể (phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển).
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất hạn chế nuôi các giống chó to con, bản tính hung dữ như chó Pitbull (Mỹ), chó Perro de Presa Canarios (Tây Ban Nha), chó săn Dogo Argentinos (Argentina), chó Tosa (Nhật Bản) và chó Fila Brasileiros (Brazil). Về trách nhiệm kê khai, chủ vật nuôi phải kê khai định kỳ 2 lần/năm; kê khai đột xuất trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhập về nuôi mới hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ vật nuôi theo dõi tình hình sức khỏe vật nuôi thường xuyên. Khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, chủ vật nuôi không được thả rông chó nơi công cộng, không để chó tấn công người, chó và các vật nuôi khác. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh; chó phải được xích giữ, đeo rọ mõm và có người dắt.
Ông Đinh Minh Hiệp giải thích thêm: "Mục đích của quy định này nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách về hoạt động chăn nuôi, quản lý chó, mèo đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân. Cùng với đó xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả, đảm bảo quyền gia súc cho chó, mèo. Tăng cường ý thức của cộng đồng về trách nhiệm nuôi dưỡng chó, mèo và đối xử nhân đạo đối với hai vật nuôi này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng đề xuất của Sở NN-PTNT và nếu được UBND TP.HCM đồng ý, việc triển khai thực hiện sẽ cần có thêm nhiều bước nữa như tổ chức hội thảo, tham khảo ý kiến các chuyên gia...".
Xem nhanh 12h ngày 23.3: Dự báo thời tiết
Không được để vật nuôi gây ồn ào
Theo tờ trình, liên quan đến vệ sinh môi trường, chủ vật nuôi phải đăng ký và cam kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn sạch chất thải do chó thải ra nơi công cộng.
Còn về tiếng ồn, chủ vật nuôi áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tiếng ồn do hoạt động nuôi chó không được vượt quá 70 dBA (từ 6 - 21 giờ) và 55 dBA (21 - 6 giờ sáng hôm sau).
Bình luận (0)